THẢO LUẬN TỔ 01: NÊN CÓ MỘT BỘ SÁCH GIÁO KHOA CHUNG CHO CẢ NƯỚC

08/11/2018

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, chiều ngày 08/11, thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), đa số đại biểu Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội ( thuộc Tổ 01) đánh giá cao Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, bổ sung nhiều nội dung đại biểu đã góp ý tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Đánh giá chung về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này, nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng phạm vi sửa đổi, trong đó có nhiều nội dung thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục trong hệ thống quốc dân.

Góp ý về các quy định cụ thể của Dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Anh Trí lo lắng về những ý kiến trái chiều về chương trình sách giáo khoa phổ thông thời gian qua. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, về nguyên tắc, sách giáo khoa chỉ nên có một bộ chuẩn dùng cho cả nước và sử dụng được trong nhiều năm nhưng mỗi năm có thể bổ sung nhưng không nên quá 10%. Tương tự, sách tham khảo cũng nên có quy định để có thể quản lý chặt chẽ, tránh xuất bản tràn lan. Đại biểu cũng cho rằng nên xã hội hóa hoạt động in ấn chứ không nên xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Văn Được nêu quan điểm, nếu thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, vấn đề kiến thức, tính định hướng, tính thống nhất khó đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Mặc dù dự thảo Luật quy định chặt chẽ việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nhưng việc xây dựng, biên soạn sách cần được thực hiện, quản lý bởi những cơ quan nhất định. Việc quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa trong giảng dạy dễ dẫn đến tình trạng trong một địa bàn, một tỉnh có nhiều trường lựa chọn bộ sách giáo khoa khác nhau, dẫn đến trình độ học sinh; sự hiểu biết, thống nhất khác nhau. Đối với quy định tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa, quy định này không khả thi vì bản thân học sinh, cha mẹ học sinh cũng không có đầy đủ thông tin hay trình độ để lựa chọn, đại biểu Nguyễn Văn Được nêu ý kiến.

Không đồng tình với quy định về mục tiêu của giáo dục đại học nêu rõ: Đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp quy định tại Điều 37, Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng những mục tiêu này không chỉ riêng ở bậc đại học cần có mà ở các cấp học khác. Do vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường để xuất Chính phủ cần dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.

Để thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học trung cấp cao đẳng tạo điều kiện cho người học có cơ hội học tập suốt đời, học liên thông lên trình độ cao hơn, Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị bổ sung thêm khoản vào Điều 32: Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trình độ trung cấp đã học và hoàn thành khối lượng văn hóa trung học phổ thông theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung học phổ thông cấp giấy xác nhận hoàn thành khối lượng văn hóa trung học phổ thông và được công nhận tương đương về khối lượng văn hóa trung học phổ thông để học cao đẳng hoặc đại học. Đại biểu Dương Minh Ánh cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về giảng dạy trình độ trung cấp và cao đẳng, bởi ban soạn thảo đang bỏ quên hai đối tượng này trong Dự thảo luật.

Cho ý kiến về chính sách tín dụng sư phạm, đại biểu Hoàng Văn Cường tán thành với quy định trong luật, tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm./.

Lan Hương - Nhóm ảnh