ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỔ 05 THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI)

08/11/2018

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, chiều ngày 08/11, Tổ số 05 gồm Đoàn đại biểu các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Đà Nẵng và Tây Ninh đã có buổi thảo luận về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ số 05

Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu Tổ 05 đều nhất trí cho rằng dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) với 10 Chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều đã làm rõ một số vấn đề đang đặt ra, cụ thể: xác định nhu cầu tài chính cho giáo dục; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc phân bổ kinh phí, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; nguyên tắc và thẩm quyền quyết định thu học phí; khuyến khích xã hội hóa giáo dục; quyền và nghĩa vụ về tài chính của các cơ sở giáo dục… qua đó thể hiện rõ quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển.

Tán thành việc  mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình - chỉ ra rằng, Luật Giáo dục sửa đổi lần này phải dựa trên tinh thần nghị quyết của Đảng, phải bám sát vào thực tiễn. Ngoài ra, đối với các cấp học và độ tuổi phổ thông hiện nay quy định là 6 tuổi vào lớp 1, 11 tuổi vào lớp 6 và 15 tuổi vào lớp 10. Đây là quy định có thể gây ra bệnh thành tích lên lớp đối với các học sinh. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét lại việc quy định cứng độ tuổi vào các cấp học như hiện nay. Đồng thời, đại biểu đề nghị phải có hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định các chương trình giáo dục và sách giáo khoa trước khi ban hành ra thực tế.

Các đại biểu đưa ra quan điểm tại buổi thảo luận

Cho rằng, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc học rất quan trọng, đại biểu Ngô Thị Kim Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng - đề nghị độ tuổi phổ cập mầm non cần nghiên cứu lại và hạ xuống dưới 5 tuổi. Ngoài ra, độ tuổi giáo dục mầm non rất dài, trong đó nặng về nuôi dưỡng hơn giáo dục nên đại biểu cũng đề nghị xem xét lại chuẩn về giáo dục mầm non.

Đồng tình cao với việc cho các trường công lập tự chủ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xác định các loại hình cơ sở giáo dục đang tồn tại hoặc sẽ hình thành, phát triển; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng khung chính sách về hệ thống cơ sở giáo dục phù hợp; quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư thành lập, vận hành và phát triển các cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ, tạo môi trường để các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục phát triển minh bạch, hiệu quả và thống nhất với các quy định trong các đạo luật chuyên ngành có liên quan.

Ngoài ra, đại biểu đánh giá vấn đề xã hội hoá giáo dục trong Dự luật chưa được quy định rõ ràng. Để tránh tình trạng một số cơ sở lợi dụng xã hội hoá để lạm thu, đại biểu đề nghi trong Luật này cần quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn về các vấn đề trong xã hội hoá giáo dục./.

 

 

Hồ Hương- Nhóm ảnh