ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH VĨNH LONG GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

03/08/2018

Sáng ngày 03/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung những quy định trong các điều khoản của dự thảo. Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu còn băn khoăn cho rằng, dự thảo luật còn nhiều điều chưa phù hợp tình hình thực tế. Cụ thể tại Điều 3, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 khoản vào sau khoản 1, cụ thể “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước”. Vì trong thực tế, có một số trường hợp nhận thức chưa đúng về bí mật Nhà nước, còn phân biệt “Bí mật nhà nước” và “Bí mật của Đảng” và cho rằng 02 bí mật này có khái niệm, quy định và cách thức thực hiện khác nhau dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất trong bảo vệ bí mật nhà nước.

Tại Điều 5 quy định trách nhiệm người đứng đầu, đề xuất bổ sung thêm 1 khoản “Kịp thời chỉ đạo xử lý và khắc phục hậu quả”. Cũng tại điều này đề nghị bổ sung thêm quy định “và trường hợp khác” vào cuối khoản 4, vì trong thực tế có một số trường hợp cần phải thu hồi tài liệu bí mật Nhà nước như: đi học dài ngày, xuất cảnh ra nước ngoài, bị đình chỉ công tác,…

Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến tại Hội nghị

Đối với khoản 7 Điều 7, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “chưa có giải pháp” và “triệt để”, và sửa thành “chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa có giải pháp loại bỏ bí mật nhà nước triệt để vì quy định như vậy bí mật nhà nước sẽ được bảo vệ chặt chẽ, tránh trường hợp sử dụng máy tính có lưu tài liệu bí mật nhà nước chỉ xóa rồi chuyển đổi sử dụng kết nối mạng Internet là chưa đúng quy định, có thể phục hồi dữ liệu như ban đầu.

Riêng Khoản 5 Điều 13, đại biểu đề nghị nên bổ sung quy định xử lý trách nhiệm người làm lộ bí mật Nhà nước cần quy định tội nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự, tội nào xử phạt hành chính.

Đối với điều 22 chưa có quy định số lần gia hạn, chưa có quy định trường hợp bảo quản tài liệu “vĩnh viễn” hoặc giao cho cơ quan nào hướng dẫn thực hiện vấn đề này. Do đó đề nghị cần có quy định trong Luật giao cho Chính phủ hoặc Bộ Công an quy định chi tiết để hướng dẫn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị sử dụng thống nhất cụm từ “xác định độ mật của Bí mật Nhà nước”, “quyết định độ mật của bí mật Nhà nước” trong các điều khoản đồng thời giải thích thêm cái từ ngữ “Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 1, “Địa điểm chứa bí mật Nhà nước tại khoản 3 Điều 21, “Người tạo ra thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước” quy định tại Khoản 5 điều 12,…. để cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiểu được và đảm bảo thực thi đạt hiệu quả khi luật ban hành./.

Vũ Thạch