CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN VÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP. CẦN THƠ TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ

20/06/2018

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, ngày 19/6 , tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với tướng lĩnh, sỹ quan và chiến sỹ đại diện cho lực lượng vũ trang Quân khu 9 và Công an thành phố Cần Thơ.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Luật An ninh mạng.

Cử tri đánh giá kỳ họp này đã thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận. Kỳ họp đã thể hiện trí tuệ, tâm huyết, chính kiến rõ ràng và quyết định phù hợp trên cơ sở nghiên cứu nghiêm túc tài liệu, tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân.

Cử tri thành phố Cần Thơ Nguyễn Chí Sỹ nêu ý kiến rằng các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách bóp méo, cố tình xuyên tạc, bịa đặt, kích động người dân, cho rằng Luật an ninh mạng sẽ hạn chế quyền tự do dân chủ công dân; đồng thời kích động, biểu tình, gấy rối trật tự, đập phá trụ sở cơ quan nhà nước. Vì vậy thực sự luật an ninh mạng không đi ngược lại với xu thế của cuộc cách mạng 4.0 như nhiều quan điểm đưa ra.

Giải đáp cụ thể vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết: "Luật An ninh mạng ra đời chỉ giúp bổ sung thêm công cụ pháp lý quản lý nhà nước trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão nhưng không ngăn cấm quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến của công dân. Luật an ninh mạng chỉ điều chỉnh những hành vi lợi dụng công nghệ thông tin để phá hoại an ninh quốc gia, làm nhục, vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, xâm hại thông tin cá nhân và nhà nước và đưa tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân."

Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, người dân vẫn được sử dụng Internet thoải mái, vẫn được tham gia Facebook và Google. Tuy nhiên không được lợi dụng công nghệ thông tin để phá hoại an ninh quốc gia, phương hại đến chủ quyền đất nước và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. "Việt Nam là đất nước tiếp cận với công nghệ thông tin rất nhiều, có 94 triệu dân đến 65 triệu tài khoản Facebook. Nhiều người lợi dụng vào mạng thông tin để nói xấu, tung tin bịa đặt, vu khống các cá nhân, tổ chức và đây là điều chúng ta không thể chấp nhận được" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ tại buổi tiếp xúc cử tri

Sự cần thiết của luật An ninh mạng càng được thể hiện rõ khi Việt Nam là Quốc gia có chỉ số thấp nhất về an toàn thông tin Quốc gia. Theo đánh giá của tổ chức Quốc tế, Việt Nam đứng số 100 trên thế giới và ở vị trí đội sổ với khu vực ASEAN về chỉ số an ninh mạng. Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng (540 triệu USD), vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016 và đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, riêng tháng 2 và 3 có tới hơn 1.500 vụ tấn công mạng; bên cạnh đó với khoảng 637.400 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính bị nhiễm mã độc, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma. Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, khoảng hơn 300%/năm khiến nguy cơ an toàn thông tin mạng đang gia tăng nhanh chóng khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. Rõ ràng, với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin, phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin đã phục vụ cho lợị ích đời sống sản xuất rất nhiều nhưng cũng đem lại những mối đe dọa nghiêm trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ đối với vấn đề an ninh mạng và coi đây là thách thức mới, có tầm quan trọng và nguy hiểm cao. Do đó, đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, pháp luật và luật; và việc ban hành Luật An ninh mạng là hoàn toàn cần thiết.

Theo thống kê, hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước gồm Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Hi Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil. Như vậy là thông lệ quốc tế đã có, Việt Nam không phải là Quốc gia đầu tiên áp dụng quy định này. Hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế đã có văn bản luật, dưới luật để quy định nhằm phòng và chống các nguy cơ đe dọa tới an ninh Quốc gia từ không gian mạng và chính thức có 23 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật về An ninh mạng.

Trong bối cảnh như vậy thì việc Việt Nam xây dựng Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.  

Nhiều cử tri đánh giá cao việc Quốc hội chưa thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc bởi cần có thêm thời gian để xem xét  thấu đáo. Điều này đã thể hiện chính kiến việc nghiêm túc tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân.

Qua đây chủ tịch Quốc hội một lần nữa biểu dương tinh thần yêu nước, sự quan tâm chính đáng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước mà Quốc hội đang bàn, nhưng người dân cần tỉnh tảo và không để lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, kích động gây mất trật tự an toàn xã hội trở thành phá hoại đất nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Trong quá trình ban hành luật, Quốc hội rất lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội quyết định không quy định trường hợp đặc biệt cho thuê đất 99 năm và lùi lại thời gian thông qua luật để nghe thêm, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân.

 Chủ tịch Quốc hội cũng giải trình rõ hơn: Về chủ trương, chính sách của Đảng khi xây dựng Luật  đã được thông qua trong văn kiện của đại hội 10, 11, 12 - đó là sớm nghiên cứu xây dựng hình thành những đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hay gọi là đặc khu. Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều có chủ trương và cụ thể hóa bằng 3 Nghị quyết của Trung ương, 1 kết luận của Bộ Chính trị,  góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

"Ban hành Luật, hình thành đặc khu là để xây dựng phát triển kinh tế, tạo vùng động lực để xây dựng đất nước. Nếu xây dựng đặc khu, ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia thì nhất định không làm. Nếu đã làm thì giữ vững cho được chủ quyền quốc gia và an ninh chính trị của đất nước. Chúng ta đã hy sinh bao nhiêu xương máu để có được đất nước ngày hôm nay - hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển thì chúng ta đâu có đơn giản đến mức để ra một luật hay hình thành đơn vị đặc khu để rồi làm cho đất nước khó khăn. Biết bao nhiêu thế hệ đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống mảnh đất này thì chúng ta không đơn giản làm thiệt hại quyền lợi của đất nước. Lần này tôi mong muốn mỗi người sẽ là tuyên truyền viên tuyên truyền chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu rõ. Chúng ta ra luật không quy định chỉ cho nhà đầu tư này đến mà không cho nhà đầu tư khác đến mà để dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước." Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm:

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri chuyên đề Tp. Cần Thơ

Chủ tịch Quốc hội cho biết: Khi xây dựng Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong đã có nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm của quốc tế. Đây là luật mới, phức tạp chưa có tiền lệ. Vì vậy, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến góp ý và cân nhắc hết sức thận trọng làm sao làm sao phát huy được tiềm năng, lợi thế phát triển của từng đơn vị để tạo sự lan tỏa cho vùng và khu vực nhưng không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… và không được trái với pháp luật dân sự Việt Nam, chủ quyền quốc gia Việt Nam. Trong khi đó, ở đặc khu, chúng ta có chính quyền , toà án, viện kiểm soát, công an, quân đội, chủ quyền của chúng ta, luật pháp của chúng ta. Vì thế hoàn toàn chúng ta có thể quản lý, lãnh đạo"

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn sau lần tiếp xúc này, mỗi cử tri trong lực lượng vũ trang sẽ là tuyên truyền viên tuyên truyền đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh để thế lực thù địch lợi dụng để gây kích động, bạo loạn thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ chụp ảnh cùng các cử tri

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri thuộc lực lượng vũ trang cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến huy động nguồn vốn của đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đầu tư cho thành phố Cần thơ để bảo đảm liên kết vùng, chống chọi với biển đổi khí hậu nghiêm trọng hiện nay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đây là vấn đề cấp thiết cần được ưu tiên đầu tư. Trong phiên chất vấn, Chính phủ đã nêu rõ, sẽ bố trí 1500 tỷ từ nguồn dự phòng và Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét tờ trình của Chính phủ xuất thêm 1000 tỷ từ nguồn vốn trái phiếu Cp trong kế hoạch đầu tư công  5 năm để thực hiện các dự án chống sạc lở, sau đó quy hoạch với vùng sản xuất các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông cửu long nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Về tiến độ thực hiện dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là Tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần thơ, Chính phủ cho biết đến năm 2020 sẽ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận và 2021 sẽ thông tuyến Trung lương - Cần Thơ và tiếp tục làm cầu Mỹ Thuận 2. Quốc hội đã phê chuẩn, bố trí nguồn vốn cho Chính phủ thực hiện.  Đoàn đai biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục giám sát lời hứa việc thực hiện của Chính phủ./.

 

Hải Yến - Quang Sỹ