ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH NGHỆ AN LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO LUẬT TỐ CÁO (SỬA ĐỔI)

11/04/2018

Ngày 10/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão chủ trì hội nghị
 
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều, bổ sung thêm 1 chương và 18 điều so với Luật Tố cáo trước đây. Luật quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực; Bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về hình thức tố cáo các quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo và việc bảo vệ người tố cáo.

Về hình thức tố cáo, các đại biểu đã có những quan điểm khác nhau. Đại biểu Phan Quý Hương - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, bày tỏ băn khoăn khi việc tố cáo qua điện thoại sẽ gặp khó khăn trong tiếp nhận và thụ lý do tính khả thi, và độ chính xác không cao. Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn phân tích, khi mở rộng các hình thức tố cáo, lo ngại dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ. Đại biểu Phan Quý Hương cho rằng, tố cáo bằng lời nói có thể chấp nhận việc tố cáo trực tiếp, nhưng tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì đề nghị phải cân nhắc. Mặc dù tại Khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật quy định việc tố cáo qua điện thoại, người nhận có trách nhiệm hướng dẫn. Tuy nhiên, dù có hướng dẫn nhưng việc tố cáo qua điện thoại thì “độ tin cậy là không cao”. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Tuy nhiên, Đại biểu Lê Anh Sơn - Phó Chánh Thanh tra tỉnh, cho rằng việc quy định hình thức tố cáo cần tránh tình trạng lợi dụng để tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Tuy nhiên, không vì thế mà không chấp nhận các hình thức tố cáo tiện lợi khác trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, dù bằng hình thức nào, thì cơ quan tiếp nhận tố cáo cũng phải làm việc trực tiếp với người tố cáo, và phải bí mật bút tích của người tố cáo. 

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, một số ý kiến đề nghị xem xét lại một số điều, khoản của dự thảo, bởi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp bị tố cáo lại được giao xác minh, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan mình là chưa hợp lý.

Đối với việc bảo vệ người tố cáo, đa số ý kiến đề nghị dự thảo giữ nguyên phạm vi bảo vệ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung quyền được biết về các cơ quan, đơn vị bảo vệ cho người được bảo vệ và quy định thời hạn xác minh thông tin về đề nghị bảo vệ./.

(Kim Ngân (TH))