Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề: “Thanh niên Thủ đô với việc học tập, việc làm và khởi nghiệp”

21/03/2017

Sáng 19/3, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri với chuyên đề “Thanh niên Thủ đô với việc học tập, việc làm và khởi nghiệp”. Tham dự có 18 vị Đại biểu Quốc hội; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Thành Đoàn Thành phố; Ban giám hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân; một số trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp. Đặc biệt có gần 200 cử tri là đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, ở phường, xã trên địa bàn Thủ đô đến dự. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì buổi tiếp xúc cử tri.

Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề: “Thanh niên Thủ đô với việc học tập, việc làm và khởi nghiệp”

Sau khi nghe báo cáo của UBND Thành phố, đã có 17 ý kiến của cử tri, đại diện cho thanh niên Thủ đô kiến nghị, đề xuất với Đại biểu Quốc hội và các cơ quan Thành phố. Có 3 ý kiến trao đổi của Doanh nghiệp trẻ và đại biểu Quốc hội. Các ý kiến thể hiện được ước vọng khởi nghiệp, mong muốn được mang tài, trí, tâm đức của mình và hoài bão lớn lao của thanh niên cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, giữ gìn an ninh quốc phòng Thủ đô nói riêng và cho đất nước nói chung. Tuy nhiên, các ý kiến còn trăn trở rằng bên cạnh những ưu đãi, quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thủ đô; thì chất lượng đào tạo, việc làm sau ra trường, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, hỗ trợ vốn phát triển các ý tưởng khởi nghiệp cũng như việc dự báo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước vẫn chưa được đáp ứng xứng đáng; vẫn còn nhiều địa phương, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về sự quan tâm, ưu đãi “việc học tập, việc làm và khởi nghiệp” đối với Thanh niên.; khiến cho tài năng, ước muốn khởi nghiệp của thanh niên bị thui chột…

Đáng chú ý là có 6 ý kiến của cử tri là sinh viên kiến nghị về chương trình, chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục vẫn còn khoảng trống giữa “Học và hành”, thực trạng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi nhân sinh viên mới ra trường vẫn phải mất khá nhiều thời gian công sức để đào tạo lại. Có 1 ý kiến đề nghị Thành phố quan tâm xây dựng các khu ký túc xá và nơi vui chơi giải trí, giao lưu cho sinh viên, công nhân… để thuận cho việc quản lý, giáo dưỡng đối với thanh niên; hiện nay tỷ lệ sinh viên, thanh niên là người lao động trong các khu, cụm, điểm công nghiệp phải thuê trọ ở trong dân cư chiếm trên 80%, khiến cho khó quản lý, gia tăng tệ nạn… Có 3 ý kiến của cử tri phản ánh và kiến nghị Thành phố cần có cơ chế và giám sát chặt chẽ việc tuyển dụng công chức, viên chức, có như vậy mới tìm được người tài. Có 5 ý kiến của cử tri kiến nghị với Quốc hội cần xem xét bổ sung, sửa đổi một số quy định trong Luật Giáo dục; Luật Thanh niên; Luật Lao động; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Thủ đô… để phù hợp với thực tiễn yêu cầu “việc học tập, việc làm và khởi nghiệp” của thanh niên, nguồn lực từ thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước nói riêng và của cộng đồng xã hội nói chung…

Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố đối với công tác thanh niên trong thời gian qua và những giải pháp trong thời gian tới được thể hiện trong Báo cáo đánh giá chung do Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản trình bày trước hội nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu tiếp nhận các ý kiến của cử tri; đồng thời cũng thông báo và chỉ rõ nhiều năm nay, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố đã có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho thanh niên trong “việc học tập, việc làm và khởi nghiệp”. Thực hiện Luật Thủ đô, HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2011- 2016 đã có nghị quyết về chính sách đãi ngộ về khoa học công nghệ và trọng dụng nhân tài… Trong các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố giai đoạn 2016- 2020 có cơ chế, định hướng ưu tiên phát triển khởi nghiệp trong thanh niên, tạo mọi điều kiện để phát huy được nguồn lực trong thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển để đáp ứng được nhu cầu có việc làm ổn định đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Vừa qua, Thành phố đã có các Trung tâm xúc tiến, tư vấn tuyển dụng lao động thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại Sở Thông tin- Truyền thông, tiến tới tiếp tục mở ra các Trung tâm khởi nghiệp nữa trong thời gian tới. Đối với ý tưởng của sinh viên các đề tài, giải pháp, sáng kiến khoa học, kỹ thuật, khi nhận được đề nghị, đề xuất của thanh niên, sinh viên; Thành phố sẽ giao cho cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ khả thi và tính ứng dụng của ý tưởng, từ đó làm cơ sở để hỗ trợ cho sinh viên vay vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, nếu ý tưởng thành công sẽ hỗ trợ thành lập doanh nghiệp. Trung tâm có thể cung cấp cho thanh niên địa điểm kinh doanh miễn phí cho đến khi doanh nghiệp thu lãi. Bước cuối cùng là hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tinh thần của thanh niên, nhất là ký túc xá sinh viên và các khu vui chơi, thể thao. Hà Nội đã xây dựng 2 khu ký túc xá sinh viên tại khu vực Mỹ Đình và Thanh Trì. Khu ký túc xá Mỹ Đình đã đưa vào hoạt động và sử dụng 92% số phòng. Tuy nhiên, khu ký túc xá Thanh Trì mới có 16% số sinh viên ở, lý do sinh viên ở ít là bởi nơi đây cách khá xa các trường đại học, cao đẳng nên việc đi lại của sinh viên không thuận lợi. Thành phố cũng đã thấy được vấn đề đó, đang xem xét bổ sung quy hoạch để xây dựng khu ký túc xá phù hợp đối với nhu cầu của sinh viên, học sinh Việt Nam và Quốc tế.

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Hoàng Trung Hải hoan nghênh các ý kiến đóng góp sôi nổi của các cử tri trẻ- là sinh viên và thanh niên trên địa bàn Thủ đô. Đồng chí khẳng định các kiến nghị, đề nghị của cử tri tại hội nghị về học tập, việc làm và khởi nghiệp không chỉ đúng với ước vọng, khát vọng của sinh viên, thanh niên Thủ đô mà còn là nhu cầu chung của sinh viên, thanh niên toàn quốc. Khởi nghiệp còn là thách thức, đòi hỏi rất lớn, thậm trí rất bức xúc với mọi quốc gia, doanh nghiệp. Hà Nội hiện nay mới chỉ có khoảng 200 nghìn doanh nghiệp. Nhưng qua khảo sát cho thấy các doanh nghiệp chưa tận dụng hết được nguồn lực, tài nguyên từ thanh niên. Nguyên nhân có thể chỉ ra rằng doanh nghiệp chưa quan tâm; nhưng về phía thanh niên có thể do cơ sở đào tạo hoặc có thể do bản thân thanh niên cũng chưa chú ý đến rèn rũa năng lực thực tiễn. Hiện nay đất nước ta đang có những thuận lợi về nhiều mặt để xây dựng và phát triển. Nguồn lực từ thanh niên là nguồn lực vàng, được Đảng, Nhà nước quan tâm chú ý, tạo điều kiện và sử dụng hiệu quả. Đây là vấn đề nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Đối với thành phố Hà Nội, lãnh đạo thành phố sẽ quan tâm tạo điều kiện để sinh viên có môi trường học tập thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp. Đối với những ý kiến đóng góp về xây dựng pháp luật của thanh niên, sinh viên tại hội nghị, đồng chí khẳng định Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội sẽ tiếp thu, đề xuất Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Theo Trang ĐBND Tp. Hà Nội