Tính hợp lý - yếu tố cân bằng quyền đa số và thiểu số

01/10/2013

Đặc điểm cơ bản của một cuộc họp tại nghị trường là cơ hội bình đẳng của những người tham gia khi đưa ra quan điểm hay tranh luận với những quan điểm khác mà không chịu áp lực nào. Để thể hiện đặc điểm này, thực tiễn nghị trường các nước có những nguyên tắc nhất định.

Một trong số những nguyên tắc được áp dụng phổ biến tại hầu hết các nước là đa số có tiếng nói quyết định; thiểu số có những quyền của mình cần được tôn trọng; các thành viên tham dự có quyền được thông tin để có thể ra quyết định; mọi thành viên có những quyền, đặc quyền, nghĩa vụ ngang nhau; các thành viên tham dự có quyền đối với một cuộc họp hiệu quả. Một số quyền quan trọng của nghị sỹ như quyền thảo luận các vấn đề một cách tự do, thảo luận về một nội dung tại một thời điểm, được thông báo về nghị trình… đều xuất phát từ 6 nguyên tắc này. Những nguyên tắc trên không có tính tuyệt đối. Ví dụ, trong một số trường hợp, cần phải có 2/3 số nghị sỹ đồng ý thì một kiến nghị mới được chấp nhận. Điều này trái với nguyên tắc quyền của đa số và quyền được thông tin của nghị sỹ, nhưng lại đảm bảo nguyên tắc về tính hiệu quả của phiên họp.

Trong số các nguyên tắc nói trên, nguyên tắc về đa số và thiểu số rất quan trọng. Thomas Jefferson trong bài phát biểu nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 1801 nói: “Mọi người cần phải nhớ trong đầu một nguyên tắc cao quý rằng, mặc dù trong mọi trường hợp ý chí của đa số sẽ áp đảo, nhưng nói cho đúng, ý chí đó phải hợp lý; rằng thiểu số có những quyền bình đẳng của mình được pháp luật bảo vệ; việc vi phạm nguyên tắc này chính là sự đàn áp”. Jefferson đề cập đến sự e ngại của nhiều người về sự độc tài của đa số. Đa số nắm quyền qua lá phiếu, nhưng các hành động của họ cần phải hợp lý; nếu không sẽ được coi là lạm dụng quyền của mình. Thiểu số không những cần phải được bảo vệ, mà còn có cơ hội bình đẳng trong việc sử dụng pháp luật để bảo vệ mình.

Quy trình, thủ tục nghị viện có nhiều quy định để thiểu số trong nghị viện bảo vệ quyền của mình, ví dụ như quyền tranh luận, quyền được thông tin, quyền có mặt, quyền được thông báo trước, người vắng mặt được bảo vệ… Những quyền này cũng không phải là tuyệt đối, ví dụ quyền được thông tin không có nghĩa là thoải mái sử dụng nó để trì hoãn quá trình ra quyết định. Nếu xảy ra hiện tượng đó, cuộc tranh luận có thể bị ngừng lại nhằm đảm bảo nguyên tắc hiệu quả của phiên họp.

Yếu tố then chốt để cân bằng quyền của đa số và quyền của thiểu số là tính hợp lý, thể hiện ở chỗ đa số có quyền thống trị, nhưng thiểu số có quyền phản đối, phản biện. Một trong những tư tưởng căn bản của luật nghị viện là các thành viên của một tổ chức sẽ thiết lập các quy tắc tạo nên tính hợp lý này. Trong một tổ chức, mỗi lần phát biểu 5 phút là hợp lý, nhưng ở tổ chức khác, 3 phút hay 7 phút lại được coi là hợp lý; chương trình họp được thông báo trước 2 ngày là hợp lý ở nơi này, nhưng ở nơi khác, một tháng mới được coi là hợp lý.

Lê Anh

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn/)