Quyền và nghĩa vụ của nghị sỹ tại phiên họp

01/10/2013

Tại bất kỳ phiên họp Nghị viện nào, nghị sỹ đều có quyền được thông tin - nguyên liệu để ra quyết định. Mỗi nghị sỹ cần được cung cấp thông tin phù hợp và đáng tin cậy để có thể ra quyết định hiệu quả. Mỗi thành viên tham dự cuộc họp phải có thông tin đến từ tranh luận, báo cáo, chuyên gia, và bản thân nghị sỹ. Khi thông tin chưa đủ để có thể ra quyết định, quy trình, thủ tục nghị trường có những quy định để có thêm thông tin, ví dụ như hoãn phiên họp vào thời điểm khác, chuyển nội dung đang thảo luận đến các ủy ban để quyết định hoặc gửi ý kiến tham khảo trở lại cho toàn thể nghị viện, hoặc tham vấn chuyên gia… Quyền được thông tin còn đòi hỏi thông tin phải kịp thời; nghị sỹ phải được biết trước chương trình, các báo cáo, các nội dung quan trọng cần thảo luận, có đủ thời gian để nghiên cứu. Những quyết định vào phút cuối khiến nghị sỹ bất ngờ, ngạc nhiên là sự vi phạm quyền được thông tin của nghị sỹ.

Một quyền của nghị sỹ không bị hạn chế là quyền bảo lưu ý kiến, quan điểm của mình. Ý kiến có thể chịu ảnh hưởng qua thông tin, lập luận, lý lẽ, nhưng không thể bị nhạo báng bằng lời lẽ hoặc hành vi. Ý kiến của mỗi thành viên cuộc họp cần phải được tôn trọng và nhận được thái độ lịch sự. Những lời lẽ nhạo báng, nặng nề hoặc chỉ trích cá nhân có thể làm mất mặt nghị sỹ, khiến cho việc đóng góp thông tin, tham gia không đạt kết quả. Các quy tắc về sự đúng mực trong tranh luận có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền được tôn trọng của nghị sỹ. Việc ngắt lời người đang phát biểu thường bị cấm, và nếu xảy ra việc này thì cần phải xử lý ngay. Ngay cả khi được phép ngắt lời, nhưng nếu nghị sỹ tỏ ra bất lịch sự, không tôn trọng các thành viên khác, thì cũng phải chịu xử lý. Luật nghị viện các nước thường có những quy định xử lý những trường hợp như vậy, ví dụ chủ tọa nhắc nhở giữ trật tự, buộc phải xin lỗi, hoặc phải rời phiên họp…

Nghị sỹ có những quyền và đặc quyền như nhau trong các phiên họp như được thông báo trước, tham dự cuộc họp, phát biểu trong các cuộc tranh luận, biểu quyết, đề cử, ứng cử vào các chức danh…Những quyền này cũng có thể bị giới hạn nhằm bảo đảm sự hợp lý, ví dụ phải có kinh nghiệm như thế nào mới được ứng cử vào chức chủ tịch. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là những giới hạn này được áp dụng đối với mọi thành viên trong nghị viện.

Cũng như trong bất kỳ tổ chức nào, nghị sỹ cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ chỉ có riêng ở nghị viện và nghĩa vụ có ở bất kỳ tổ chức nào. Trong đó, quan trọng nhất là nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc của nghị viện và tuân thủ những quyết định đã được thông qua một cách hợp pháp tại cuộc họp. Các nghị sỹ không được chống đối các quyết định đã được thông qua, ngoại trừ bằng các cơ chế nghị trường như đưa ra kiến nghị bãi bỏ hoặc xem xét lại quyết định.

Nghị sỹ còn có quyền và nghĩa vụ để bảo đảm phiên họp hiệu quả. Luật nghị viện có những quy định nhằm bảo đảm tính hiệu quả của phiên họp và tạo điều kiện cho nghị sỹ theo đuổi tính hiệu quả. Ví dụ, nghị sỹ có quyền về nghị trình và theo dõi để nghị trình được tuân thủ; nghị sỹ phải phát biểu đúng về nội dung đang tranh luận, nếu không thì có thể bị nhắc nhở; chỉ được phát biểu về một nội dung tại một thời điểm nhất định; nếu nội dung phức tạp, nghị sỹ được thảo luận tại diễn đàn nhỏ hơn, hiệu quả hơn như các Ủy ban; giới hạn về thời gian đối với cuộc tranh luận; cuộc tranh luận có thể không công khai; các kiến nghị phải theo trình tự… Tuy nhiên, quyền này cũng không tuyệt đối, mà phải có sự cân bằng để có thể đi đến quyết định hữu ích có cân nhắc cẩn trọng.

Minh Thy

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn/)