Bảo vệ Hiến pháp xuất phát từ nhu cầu xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền

06/09/2013

Nói đến nhu cầu tài phán hiến pháp trước hết phải nói đến vị trí của Hiến pháp trong xã hội, trong đời sống pháp luật và thực tiễn hoạt động của bộ máy nhà nước.

Ngày nay, hầu như không quốc gia nào không có bản Hiến pháp riêng của mình, bất luận là Hiến pháp thành văn hay không thành văn. Hiến pháp là một văn bản pháp luật. Vì vậy, theo nội dung và tinh thần, Hiến pháp cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để và trực tiếp.

Cần nói thêm rằng, vấn đề hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp dường như bị lãng quên trong tư duy, hoạt động pháp lý và quản lý ở Việt Nam. Bởi lẽ trong mọi hoạt động hành pháp và tư pháp, việc tiếp cận công lý hầu như không được viện dẫn trực tiếp bởi các quy phạm cụ thể. Tuy nhiên, hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp cũng chỉ có ý nghĩa tương đối vì Hiến pháp là văn bản pháp lý đặc biệt, mang tính chính trị - pháp lý và tuyên ngôn sâu sắc và vì thế, việc bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp cần xuất phát từ những đặc điểm riêng của loại văn bản pháp luật này.

Như vậy, là điểm đỉnh trong hình tháp của hệ thống pháp luật thống nhất nhưng Hiến pháp có giá trị riêng rẽ và đặc biệt. Do có sự phân biệt giữa lập hiến và lập pháp nên cũng có sự phân biệt giữa vi phạm Hiến pháp và vi phạm pháp luật. Từ đó cần đến một cơ chế bảo vệ Hiến pháp độc lập với cơ chế bảo vệ pháp luật nói chung.

Kết luận đầu tiên ở đây là: nhu cầu thiết lập tài phán Hiến pháp nằm trong giá trị độc lập của Hiến pháp.

Ở một khía cạnh khác, cũng còn thấy rằng, chủ nghĩa lập hiến là sản phẩm của chế độ dân chủ. Theo đó, Hiến pháp ra đời trong bối cảnh của khế ước xã hội mà khó có thể được coi là sản phẩm riêng của một hay nhiều thiết chế nhà nước. Mặc dù, trên thực tế, có những nơi cơ quan QH đồng thời là cơ quan vừa lập hiến và vừa lập pháp. Kể cả trong trường hợp này thì tác giả của Hiến pháp vẫn phải tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp.

Ngoài ra, khi nói dân chủ là biểu hiện của chính trị thì cũng có nghĩa là một trật tự Hiến pháp luôn mang màu sắc chính trị. Song, do chính trị và đảng, phái không phải là những khái niệm cùng loại nên các tổ chức chính trị (đảng, phái) trong trật tự Nhà nước pháp quyền cũng chỉ được phép tồn tại và hoạt động dưới chiếc gậy chỉ huy của Hiến pháp. Bất luận là trong trật tự Hiến pháp đó có bao nhiêu đảng phái chính trị tham gia nắm chính quyền. Vì thế những do dự về nhu cầu bảo hiến trong chế độ một đảng cầm quyền là thiếu cơ sở vững chắc.

Như vậy, dưới ánh sáng của tư tưởng Nhà nước pháp quyền, trong một trật tự Hiến pháp, không thể có một thiết chế nhà nước, chính trị hay xã hội nào lại có thể tồn tại và hoạt động trái với tinh thần và nội dung của Hiến pháp.  

Từ những phân tích trên đây cho thấy, Hiến pháp có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội. Nó đứng trên hệ thống bộ máy nhà nước, xã hội (vì nó sinh ra hệ thống này); nó là nền tảng pháp lý và chính trị để tổ chức xã hội thành Nhà nước, để ghi nhận và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, xác lập và tổ chức các quan hệ Nhà nước – xã hội – công dân... Như thế, Hiến pháp ra đời còn là để phân chia và xác định tính giới hạn của các quyền lực chính trị mà trước hết là quyền lực nhà nước.

Như vậy, nhu cầu bảo vệ Hiến pháp xuất phát ngay từ nguyên tắc pháp trị hay nói khác đi là nhu cầu xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền.

Một lý do tiếp theo cần xây dựng chế độ tài phán Hiến pháp là ngoài chế độ và thiết chế bảo hiến (cơ quan tài phán Hiến pháp) ra không có thiết chế và chế độ nào cao hơn trong bộ máy nhà nước có khả năng giám sát và phán xử về sự hợp hiến của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội. Trong khi, mọi cơ quan trong bộ máy nhà nước đều nằm trong sự điều khiển của Hiến pháp.

Việc quyền lực nhà nước được phân chia thành các đơn vị cấu thành, đi kèm vị thế độc lập tương đối và trách nhiệm hoạt động tương đối, dẫn đến việc phân công và phối hợp – có lợi cho việc áp dụng các quy định của Hiến pháp. Các cơ quan nhà nước mà Hiến pháp lập ra và trao nhiệm vụ có tác dụng củng cố nền tảng pháp lý của mình. Phân lập quyền lực tạo ra và khuyến khích sự kiểm tra lẫn nhau. Tác dụng đó sinh ra từ sự cộng tác tự do giữa các thế lực đồng đẳng và độc lập. Điều này tuy vậy cũng chỉ là một mong đợi không có bảo đảm pháp lý trong trường hợp không được đáp ứng, bởi vì không tồn tại cơ quan nào cao hơn, đó là thiết chế tài phán Hiến pháp.

Nhu cầu tiếp theo là giải thích Hiến pháp

Một mặt, như đã trình bày trên đây, các quy định Hiến pháp có tính chính trị - pháp lý và mức độ trừu tượng rất cao. Để khắc phục tình trạng này việc Nhà nước phải ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật là nhu cầu thường xuyên. Bằng cách này, sự hiện diện và vận hành của hệ thống Nhà nước là nhằm cụ thể hóa tư tưởng Hiến pháp. Tuy nhiên, trên thực tế sự vận hành của các thiết chế này và đặc biệt là khi thực hiện các quyền cơ bản của công dân không thể tránh khỏi những xung đột về quyền lực hay có những khoảng trống về quyền lực mà pháp luật chưa dự liệu hết (lỗ hổng pháp luật).

Bất luận là ở một Nhà nước liên bang hay đơn nhất, Nhà nước tập quyền hay phân quyền, các loại quyền lực nhà nước đều được phân chia, phân loại và xác định cho các cơ quan công quyền theo chiều ngang hay theo chiều dọc. Từ đó, cùng với sự phát triển của các quan hệ xã hội, xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề cần giải quyết mà chúng có thể nằm ngay nơi biên giới của sự hoạch định quyền lực. Như thế, xung đột về quyền lực sẽ xảy ra và trong trường hợp đó, tinh thần Hiến pháp sẽ được giải thích để làm trọng tài.

Bên cạnh đó, trong một chế độ dân chủ, mọi quyền cơ bản của công dân (luôn phát triển) đều dựa trên nền tảng Hiến pháp. Lý luận cũng như thực tiễn đều cho thấy, sự xung đột về lợi ích giữa công dân và Nhà nước (cùng với hệ thống tổ chức và pháp luật của mình) trên nền tảng Hiến pháp là không thể tránh khỏi. Trong những bối cảnh như vậy, không thể chỉ dựa vào hệ thống pháp luật của Quốc hội và Chính phủ để giải quyết vấn đề cơ bản của Hiến pháp mà phải dựa vào Hiến pháp thông qua việc giải thích Hiến pháp để tìm kiếm tiêu chí hợp hiến.

Với tất cả những trình bày trên đây cho thấy, xét về khách quan và xu hướng phát triển chung của chủ nghĩa lập hiến hiện đại – nơi mà Hiến pháp là chỗ dựa và phân bổ mọi quyền lực chính trị của Nhà nước vì mục tiêu công bằng, dân chủ và trách nhiệm xã hội... thì vấn đề tài phán Hiến pháp được đặt ra như một tất yếu khách quan.

Người ta vẫn nói đến bảo hiến, song nói đến bảo hiến là nói đến việc bảo vệ Hiến pháp theo nghĩa rộng nhất. Bởi lẽ, toàn bộ hoạt động của hệ thống nhà nước, của xã hội và các hành vi pháp lý tích cực của công dân, đặc biệt là hệ thống thanh tra, giám sát và xét xử, suy cho cùng đều có khả năng và mục tiêu bảo vệ Hiến pháp.

Theo nghĩa đó, tài phán Hiến pháp là một chế độ đặc thù, độc lập và chỉ tập trung vào việc bảo vệ Hiến pháp bao gồm những phương diện:

Về phương diện chức năng, thứ nhất, giám sát tính hợp hiến của các đạo luật và điều ước quốc tế mà quốc gia tham gia ký kết hoặc gia nhập. Đây là hoạt động quan trọng và chủ yếu nhất của hoạt động bảo vệ hiến pháp.

Thứ hai, giải thích Hiến pháp. Mục đích của hoạt động giải thích Hiến pháp là làm rõ về mặt nội dung và tinh thần của các điều khoản của Hiến pháp. Giải thích Hiến pháp được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, có tính chất bắt buộc chung nhằm làm sáng tỏ mục đích của quy định Hiến pháp. Trong giải thích Hiến pháp, điều quan trọng nhất là xác định một cách rõ ràng ý nghĩa, mục đích đích thực của quy định, nội hàm của các thuật  ngữ mà nhà lập hiến sử dụng để hiểu đúng mục đích của quy định Hiến pháp ở thời điểm ban hành Hiến pháp. Giải thích Hiến pháp còn nhằm mục đích định hướng, điều chỉnh hành vi mang tính phổ biến, thường là không áp dụng cho một trường hợp cụ thể nào.

Thứ ba, giải quyết khiếu kiện về vi phạm Hiến pháp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan bảo vệ hiến pháp. Cơ quan bảo vệ hiến pháp ra phán quyết về hành vi vi hiến của cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền, buộc cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nào đó nhằm bảo đảm quyền và tự do hiến định của công dân. 

Thứ tư, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước thuộc các nhánh quyền lực (theo chiều ngang) hoặc giữa cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương (theo chiều dọc). Để bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hiến định về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, hoạt động bảo vệ hiến pháp cũng bao hàm việc giải quyết các loại tranh chấp này.

Thứ năm, xem xét tính hợp hiến của các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân. Bầu cử và bỏ phiếu trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp thể hiện quyền lực của nhân dân. Để bảo đảm cho việc thực hiện quyền lực nhân dân phù hợp với nguyên tắc hiến pháp, hoạt động bảo vệ hiến pháp cũng bao hàm việc giám sát tính hợp hiến của các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân.

Thứ sáu, phán quyết về tính hợp hiến hay không hợp hiến trong mục đích hoạt động của các Đảng phái chính trị. Nhằm mục đích bảo đảm các đảng phái chính trị hoạt động trong khuôn khổ của các nguyên tắc hiến định, cơ quan bảo vệ hiến pháp có thẩm quyền xem xét và phán quyết về tính hợp hiến trong hoạt động của các đảng phái chính trị.

Về phương diện thể chế, thực hiện cơ chế bảo hiến cần đến những thiết chế cụ thể. Bất luận là được tổ chức theo mô hình nào thì đều có một cơ quan, tổ chức cụ thể, có nhiệm vụ (được pháp luật ghi nhận cụ thể) về những hoạt động mang tính phán quyết có hiệu lực bắt buộc trong quá trình thực hiện các chức năng trên đây. Tính bắt buộc của những phán quyết của loại cơ quan này có giá trị như một đạo luật thông thường của QH. Điều này khó có thể có trong một cơ chế giám sát (kể cả là tối cao như của QH nước ta).

Khi nghiên cứu về các mô hình cơ quan tài phán Hiến pháp, có một số nhận xét đáng chú ý như sau:

Một là các cơ quan tài phán Hiến pháp là những cơ quan của Hiến pháp, được ghi nhận trong Hiến pháp và như thế vì nó sinh ra từ Hiến pháp nên nó không trực thuộc một cơ quan Hiến pháp nào (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án tối cao).

Hai là, cơ quan tài phán Hiến pháp không phải là cấp phúc thẩm của hệ thống tòa án tư pháp (Tòa án tối cao). Vì vậy, chúng không xét lại nội dung các bản án (có hoặc chưa có hiệu lực) của Tòa án tư pháp nếu vấn đề đó thuộc thẩm quyền của Tòa án đã được luật định.

Ba là, theo các nghĩa trên đây, cơ quan tài phán Hiến pháp là một loại tòa án thứ phát (subsidiarty). Điều đó có nghĩa là, chỉ sau khi đã tận dụng hết các khả năng của toàn bộ hệ thống tài phán tư pháp (khả năng của pháp luật nội dung và hình thức) mà Hiến pháp (với nội hàm cơ bản là quyền cơ bản của công dân và cân bằng quyền lực nhà nước) vẫn bị vi phạm thì lúc đó, cơ quan tài phán mới vào cuộc.

Về phương diện điều chỉnh pháp luật, cơ chế tài phán Hiến pháp cũng như thiết chế của cơ chế được ghi nhận bằng pháp luật mà cụ thể trước hết được ghi nhận trong Hiến pháp, các luật về tổ chức và thủ tục tố tụng. Theo nhận thức và kinh nghiệm chung, chức năng và cơ quan tài phán Hiến pháp luôn được ghi nhận trong Hiến pháp. Dù được tổ chức theo mô hình nào thì cơ quan có chức năng tài phán Hiến pháp vẫn là cơ quan được hình thành do Hiến pháp (cơ quan được thiết lập bởi Hiến pháp giống như Quốc hội, Chính phủ và Tòa án tối cao).  

Pgs.Ts Nguyễn Như Phát-Viện Nhà nước và Pháp luật

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn/)