THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI BỘ Y TẾ

02/08/2020

Đội ngũ y tế thôn, bản hiện chưa được đào tạo, chế độ phụ cấp thấp, trang thiết bị còn thiếu và những giải pháp cho vấn đề này… là những nội dung được các đại biểu thảo luận trong buổi làm việc giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với Bộ Y tế về nội dung "Phát triển đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế thôn, bản nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới". Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc.

 

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc 

Theo theo báo cáo của Bộ Y tế, số liệu thống kê từ các địa phương đến năm 2018, toàn quốc có gần 97.700 nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Tuy nhiên có hơn 20.600 nhân viên y tế thôn, bản đang hoạt động nhưng chưa được đào tạo (chiếm hơn 21%); Chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng với công việc được giao; Chính sách đào tạo, sử dụng và cung cấp trang thiết bị chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Đây cũng là những bất cập mà các đại biểu còn nhiều băn khoăn. Ngoài ra, nhân viên y tế thôn, bản thực hiện công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng; phát hiện sớm tình hình dịch bệnh và tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn bản. Đội ngũ này có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế  đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Bà Leo Thị Lịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ lo lắng về việc các nhân viên y tế thôn bản chưa được đào tạo nghiệp vụ, lại tập trung ở các vùng sâu vùng xa thì việc tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn cho người dân sẽ khó hiệu quả. Cần nghiên cứu để đảm bảo nguồn lực từ địa phương cho đội ngũ này để đảm bảo đội ngũ y tế thông bản đủ số lượng, chất lượng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng phải xác định được vị trí vai trò quan trọng của đội ngũ y tế thôn bản. Hiện nay nhiều cán bộ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo trong thời gian rất ngắn, phụ cấp rất thấp và thậm chí có nơi chưa có phụ cấp, trang thiết bị còn thiếu thì rất khó để việc chăm sóc y tế có chất lượng. Phải nghiên cứu đưa ra giải pháp cụ thể và có lộ trình và dự kiến nguồn lực nếu không thì những bất cập trên đến nhiệm kỳ Quốc hội khoá sau chưa chắc đã khắc phục được vì liên quan đến ngân sách. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu để cùng với Quốc hội kiến nghị bố trí ngân sách để thực hiện.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đề nghị Bộ Y tế cần đánh giá và làm rõ trách nhiệm của địa phương trong cả việc đào tạo, quản lý, sử dụng và bố trí nguồn lực bởi các vấn đề về y tế thôn bản hầu hết đều liên quan đến người dân mà là người dân ở thôn bản vì vậy cần phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương đặc biệt là chính quyền cơ sở. Và có thể nghiên cứu cơ chế để các nhân viên y tế thuộc trạm y tế xã chứ như hiện nay trạm y tế sử dụng và điều động nhưng việc chi trả phụ cấp là uỷ ban nhân dân xã nên rất khó trong triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Bà Đinh Thị Phương Lan, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu ý kiến là phải tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào nhưng ở một số vùng chúng ta phải đầu tư phát triển y tế thôn bản để thay đổi nhận thức của bà con dân tộc thiểu số. Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu là đồng bào dân tộc thiểu số sớm được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hiện đại. Nếu đạt được mục tiêu này thì rất tốt nếu không thì ít nhất cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của các nhân viên y tế thôn bản nếu không đồng bào dân tộc thiểu số sẽ chịu thiệt thòi trong tiếp cận dịch vụ. Thời gian qua, Bộ Y tế đã quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở và cần phải cân đối nguồn lực nhưng cũng phải cần quan tâm hơn nữa trong xây dựng chính sách đào tạo, quản lý sử dụng đội ngũ này cũng như có chế độ đãi ngộ và đầu tư thoả đáng để phát triển mạng lưới y tế thôn bản theo chủ trương của Đảng, nhà nước và phù hợp với từng địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Bộ Y tế cần có nghiên cứu, đánh giá sâu về thực trạng chính sách; quá trình tổ chức thực hiện chính sách, làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng bộ, địa phương và việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách. Các số liệu đánh giá tập trung vào địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Đồng thời đưa ra các phải pháp kiến nghị cụ thể, sát, đúng, thực tiễn và khả thi. Vì những kiến nghị, giải pháp này không chỉ để hoàn thiện báo cáo báo cáo thẩm tra việc thực hiện các các Nghị quyết của Quốc hội về Giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khoá XIII dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp thứ X tới đây mà còn để làm cơ sở triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phan Xanh - Thế Anh