THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

01/08/2020

Ngày 31/7, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc.

 

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự có đồng chí Đỗ Thị Lan, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương và đại diện một số ban ngành liên quan.

Việc bố trí ngân sách cho các địa phương cần phải tính đến đặc điểm thực tế và cần có các chính sách đồng bộ để thu hút đầu tư là những vấn đề nhiều đại biểu nhấn mạnh trong buổi làm việc giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội với Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nội dung "Có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu".

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu trong đó đặc biệt tập trung cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia có tác động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng đều đã dành sự quan tâm thúc đẩy đầu tư cho các địa phương ở các vùng khó khăn này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ ngân sách có sự ưu tiên cho các vùng khó khăn này tuy nhiên xét về điều kiện dân số, địa hình thì chưa chắc đã có sự ưu tiên vì 1 xã ở miền núi chi phí hành chính, chi phí khác có thể gấp nhiều lần ở đồng bằng. Hơn nữa, do việc phân định vùng chưa hợp lý nên việc phân bổ ngân sách vẫn còn chưa đảm bảo sự công bằng, một địa phương vùng cao Tây Nguyên ngân sách được cấp ngang với một địa phương ở Hà Giang nhưng địa hình khác hẳn nhau, vì vậy cần nghiên cứu có chỉ số phụ để xử lý vấn đề này với mong muốn là tỉnh nào có địa hình như thế nào, thực hiện nhiệm vụ thế nào thì ngân sách được cấp tương ứng được bố trí như thế.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị trong các Hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP hay EVFTA có các điều khoản ưu đãi cho vùng khó khăn và một số được quyền trợ cấp và một số điều khoản có lợi thì có nghiên cứu để ban hành đảm bảo việc thu hút đầu tư cho vùng này thuận lợi hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan băn khoăn về việc thu hút đầu tư vào các vùng khó khăn chưa có hiệu quả, liệu có phải do các chính sách thu hút chưa đồng bộ hay không? Liệu có phải có chính sách nhưng cơ sở hạ tầng không đáp ứng, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, hay chưa bố trí được nguồn lực để tuyên truyền và thu hút đầu tư? Hay là do trách nhiệm của các bộ ngành khác nữa? Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư cần có đánh giá cụ thể bất cập, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để nhằm thu hút đầu tư vào vùng này.

Giải trình thêm về vấn đề ưu đãi,thu hút đầu tư tại các đại bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư đã đưa ra một số tiêu chí ưu đãi đầu tư vào các vùng này. Luật Đầu tư 2020 và dự thảo nghị định thay thế hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 đã có ý thức lồng ghép, ưu đãi đầu tư cho các vùng này nhưng thực trạng thời gian qua cho thấy để thu hút được nhà đầu tư tư nhân lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số lên đầu tư vẫn rất khó khăn, hiện nay có 1 số địa bàn lợi thế như Sơn La, Mộc Châu là có thể thu hút còn lại địa bàn lợi thế ít thì còn cần thêm nỗ lực từ nhiều phía và vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các doanh nghiệp.

Cơ bản đồng tình với các ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải có các đánh giá về thực trạng, tồn tại, hạn chế và làm rõ nguyên nhân không chỉ với vấn đề thu hút đầu tư mà với các chính sách nhằm đẩy mạnh đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu. Các số liệu đánh giá cần làm rõ địa bàn, tránh tình trạng đánh giá chung chung, khi có các số liệu cụ thể với từng vùng mới có thể đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền./.

Phan Xanh - Thế Anh