HỘI THẢO VAI TRÒ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030

30/09/2020

Thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2020, tham vấn ý kiến chuyên gia phục vụ xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và những vấn đề liên quan đến sửa đổi chính sách về khoa học công nghệ, ngày 30/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo “Vai trò khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Tham dự hội thảo còn có Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các Sở, ban, ngành các tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng…đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, đại diện một số doanh nghiệp.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo về “Vai trò khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, thực hiện chương trình giám sát năm 2020, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020”. Để có thêm nhiều thông tin đa chiều cả về lý luận khoa học và thực tiễn trong công tác khoa học và công nghệ, đồng thời để có thêm những số liệu minh chứng cụ thể làm cơ sở cho việc đánh giá một cách khách quan nhất về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trong giai đoạn 2011 – 2020 để từ đó Hội đồng Dân tộc có những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ về việc ứng dụng Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo về “Vai trò khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến bày tỏ tin tưởng rằng, hội thảo sẽ có những đánh giá, kiến nghị, đề xuất xác đáng để Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới đạt được kết quả như mong muốn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và nghiên cứu báo cáo tham luận của các Bộ, ngành, viện khoa học và các địa phương đánh giá kết quả đạt được trong việc thực thi chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách trong khoa học và công nghệ đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các chính sách, giải pháp mạnh mẽ về khoa học và công nghệ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà khu vực dân tộc thiểu số và miền núi có lợi thế, việc hình thành được các lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh. Việc huy động nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số, liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp; Ứng dụng khoa học và công nghệ trong liên kết vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới nhất là vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…

Cùng với đó là tham mưu cho Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết 88/2019/QH14 “Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc”. Đặc biệt là các giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc thực hiện các dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 như: vai trò của khoa học công nghệ trong Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; đề xuất những giải pháp cụ thể.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương báo cáo tóm tắt một số vấn đề khái quát chung qua giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020"

Qua giám sát thực tế tại 06 tỉnh đại diện các vùng miền trong cả nước, các bộ ngành chức năng liên quan, các viện trường và nghiên cứu báo cáo của các tỉnh, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách cũng như chính sách pháp luật về khoa học công nghệ phục vụ thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong đó xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên. Trong giai đoạn 2011-2020, Quốc hội cũng đã ban hành 03 luật Luật Đo lường (năm 2011), Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013); Luật Chuyển giao công nghệ (năm 2017) để điều chỉnh các lĩnh vực khoa học và công nghệ với nhiều nội dung đổi mới, đột phá đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Giám sát cũng cho thấy, từ năm 2011 – 2020 các Bộ, ngành, các Viện, Trường đại học và các địa phương đã triển khai 719 dự án tại 63 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí là 4.876.109 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương là 1.884.585 triệu đồng (chiếm 38,6%) và huy động từ người dân, doanh nghiệp, ngân sách địa phương là 2.891.524 triệu đồng (chiếm 61,4 %). Trong đó, có 441 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi (chiếm 61,33%) với kinh phí hỗ trợ trừ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương là 1.134.385 triệu đồng (chiếm 60,1%). Kết quả đạt được từ các chương trình là khá toàn diện, đã tác động tốt đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền đã có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt. Trong đó năng suất lao động tăng cả về chất và lượng, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo, một số sản phẩm đã trở thành hàng hoá được phân phối trên các thị trường…có nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến điển hình trong sản xuất nông lâm nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nảy sinh nhiều hạn chế và bất cập đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi Luật và xây dựng các chương trình, chính sách phù hợp mang tính đột phá, đặc thù theo từng vùng miền. Việc liên kết giữa các vùng miền chưa được quan tâm, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do có nhiều vướng mắc. Thực tế kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn yếu và thiếu, giao thông kết nối giữa các vùng miền chưa được đầu tư đồng bộ; chưa có cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư…

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tại hội thảo

Từ các hạn chế trong thực hiện giai đoạn 2011 – 2020 đòi hỏi việc thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng về phát triển khoa học và công nghiệ và thực hiện chính sách dân tộc, cùng với yêu cầu phải phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhanh và bền vững. Cần rà soát các chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực để loại bỏ các chính sách trùng lặp, chồng chéo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm khoa học và công nghệ trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân và tính khả thi ứng dụng phù hợp với nhận thức, trình độ sản xuất của người lao động, phù hợp với điều kiện tự nhiên./.

Bảo Yến - Minh Thành