CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI ĐẠT NHIỀU THÀNH TỰU TO LỚN

06/05/2019

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 8, chiều ngày 06/5, Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về Dự thảo báo cáo bước đầu kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân​ trình bày Báo cáo tại phiên họp

Trình bày báo cáo tổng hợp sơ bộ về “Kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc đã góp phần giúp cho công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện đáng kể, các công trình giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân.

Công tác giáo dục và đào tạo nghề trên địa bản vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có nhiều tiến bộ, góp phần đáng kể vào việc nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi của địa phương. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao; mạng lưới y tế các cấp phát triển, đảm bảo cho đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản. Cơ chế chính sách đã từng bước thay đổi, tăng cường phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang mô hình cho vay.

Bên cạnh những kết quả đạt được đã xuất hiện một số tồn tại và hạn chế: kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo qua hai giai đoạn tăng không đáng kể, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu – nghèo ngày càng rõ rệt; chỉ số về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản qua các năm giảm chậm; một số chỉ số thiếu hụt còn ở mức cao, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh…; chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn; vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại chính sách của nhà nước.

Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về Dự thảo báo cáo bước đầu kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ​i

Cho ý kiến về báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước cũng như cơ quan có thẩm quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như chính sách về kiến thiết hạ tầng; chính sách về nâng cao, phát triển giáo dục, đào tạo của cả 2 đối tượng học sinh và giáo viên; chính sách nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh; chính sách kiến thiết hỗ trợ sản xuất theo lợi thế của địa phương; chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách đầu tư cho các xã vùng biên giới.

Đồng thời, cần xem xét lại việc chính sách hỗ trợ sản xuất liên quan đến sinh kế của người dân, trên thực tế việc hỗ trợ sản xuất thời gian qua thực hiện chưa hiệu quả do việc thực hiện quá đơn giản, cơ chế cấp phát chưa rõ ràng, không kết nối được vấn đề tín dụng, chất lượng đào tạo nghề chưa cao, chưa tổng kết, đánh giá được kết quả việc thực hiện như thế nào... Công tác tuyên truyền ở các vùng dân tộc thiểu số hầu hết chỉ thông báo một số văn bản chính sách, tập huấn giảm nghèo, đánh giá xếp loại nghèo, còn những nội dung liên quan đến nâng cao năng lực cộng đồng hầu như chưa có khiến người dân chưa xác định được cần phải tổ chức sản xuất như ra sao, việc quản lý của địa phương như thế nào…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Uỷ ban Dân tộc tách riêng “Báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi những tháng đầu năm 2019” và “Báo cáo việc thực hiện Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 26”. Đề nghị Uỷ ban Dân tộc tiếp tục hoàn thiện 2 báo cáo gửi Hội đồng Dân tộc trước ngày 15/5/2019./.

Vân Ngọc - Trọng Quỳnh