Hội đồng Dân tộc của Quốc hội họp thảo luận nhiều dự án luật

26/09/2013

Sáng 24/9, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ tư với nhiều nội dung quan trọng, tích cực tham gia chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 13.Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, cho biết trong năm ngày (24-28/9), Hội đồng sẽ phối hợp thẩm tra và tham gia ý kiến 12 dự án luật.

Hội đồng Dân tộc cũng sẽ đánh giá kết quả hoạt động từ kỳ họp thứ ba đến kỳ họp thứ tư và dự kiến Chương trình hoạt động từ kỳ họp thứ tư đến trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa 13 của Hội đồng. Đặc biệt, Hội đồng Dân tộc sẽ chủ trì hội thảo “Những vấn đề về dân tộc thiểu số cần được nghiên cứu sửa đổi trong Hiến pháp 1992."
Thảo luận dự án Luật Dự trữ quốc gia, thành viên Hội đồng Dân tộc tập trung cho ý kiến xoay quanh các vấn đề về mục tiêu của dự trữ quốc gia; trách nhiệm của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; danh mục hàng dự trữ quốc gia; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quyết định hình thành, xây dựng chiến lược, kế hoạch dự trữ quốc gia.
Nhiều ý kiến trong Hội đồng Dân tộc đề nghị dự trữ quốc gia chỉ tập trung vào mục tiêu phòng, chống và khắc phục những bất trắc, hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống khẩn cấp, đặc biệt nghiêm trọng. Không nên quy định mục tiêu “tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bảo đảm an sinh xã hội” để phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải và đảm bảo tính khả thi.
Hầu hết các ý kiến cũng đồng tình chỉnh sửa quy định về danh mục hàng dự trữ quốc gia theo hướng thu hẹp phạm vi hàng hóa; xác định cụ thể từng mặt hàng; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh khi cần thiết; giao Chính phủ quy định cụ thể hàng hóa phục vụ quốc phòng-an ninh. Liên quan đến vấn đề chế độ, chính sách, có ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế cho các doanh nghiệp như hỗ trợ đầu tư kho, bãi, đất đai; chính sách thuế, chính sách bù trong trường hợp có những biến động về giá cả... nhất là đối với nhóm hàng lương thực, xăng dầu...
Phối hợp thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Hội đồng Dân tộc đã đóng góp nhiều ý kiến về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động của hợp tác xã ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và dân tộc thiểu số. Đặc biệt là các chính sách về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về tín dụng và thuế, thực hiện các chính sách trợ cấp thông qua hoạt động tổ chức hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số ý kiến đề nghị cần có chính sách hỗ trợ về giá, rủi ro thị trường; đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động hợp tác xã.
Các quy định về định nghĩa bản chất hợp tác xã, tổ chức liên minh hợp tác xã, quyền hạn của hợp tác xã được thành lập công ty, quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, công tác quản lý nhà nước... cũng đã được làm rõ.
Các ý kiến cơ bản tán thành với quy định phân phối thu nhập của hợp tác xã theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ nhằm thể hiện đúng bản chất phục vụ thành viên của hợp tác xã; phù hợp với bản chất hợp tác xã, là yếu tố gắn kết thành viên với hợp tác xã và thành viên được hưởng lợi ích trực tiếp từ hợp tác xã..

(Theo TTXVN)