Hội thảo Khoa học “Quốc hội với việc quyết định và giám sát thực hiện chính sách dân tộc”

15/12/2017

Ngày 15/12, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Khoa học “Quốc hội với việc quyết định và giám sát thực hiện chính sách dân tộc”. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng, Nguyên Chủ nhệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, nội dung buổi Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng đề án của Hội đồng Dân tộc liên quan đến vấn đề thực hiện khoản 5 điều 70 Hiến pháp 2013 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội “Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước”.

Trong thực tế, Hội đồng Dân tộc đã tiến hành nhiều nội dung liên quan đến việc tham gia quyết định các vấn đề về chính sách dân tộc trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, đồng thời tham gia góp ý cho các cơ quan Chính phủ trong việc ban hành chính sách cụ thể, thực hiện nhiệm vụ giám sát trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được vẫn còn một số vấn đề tồn tại, cần được giải quyết trong thực tế cũng như trong luật. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc bày tỏ mong muốn tại buổi Hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến làm rõ về nội hàm, những mặt được và hạn chế, đồng thời phân tích những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của việc Quốc hội quyết định và giám sát thực hiện chính sách dân tộc theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, chính sách dân tộc là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc giải quyết những vấn đề liên quan đến dân tộc ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước và uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Do đó, việc nhận thức đúng đắn, linh hoạt và tổ chức thực hiện đúng chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Điều này giúp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh, đồng thời giúp nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước.

Chính sách dân tộc mà cao nhất là hướng tới bảo đảm được những quyền cơ bản được thể hiện ở các nhóm quyền dân sự, chính trị, kinh tế. Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hệ thống thiết chế luật pháp với việc ban hành hàng loạt các văn bản luật, quy pham pháp luật nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân cũng như tạo lập các chính sách phát triển kinh tế-xã hội để tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và đạt được các quyền đó. Từ việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đến nay hệ thống chính sách Dân tộc của Nhà nước đã bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, quốc phòng và an ninh-trật tự xã hội vùng các dân tộc thiểu số. Nội dung các chính sách được ban hành ngày càng có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn qua từng giai đoạn khác nhau…

Tuy nhiên, trong bối cảnh của thực tiễn cũng như yêu cầu đổi mới, hệ thống chính sách dân tộc bộc lộ một số hạn chế như: các nội dung được thể chế hóa liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc còn mang tính định hướng chính sách chung, khó cụ thể hóa; chính sách cụ thể ban hành còn thiếu tính hệ thống, đồng bộ và khả thi giữa mục tiêu đề ra, thời gian thực hiện, định mức hỗ trợ và nguồn lực đảm bảo; một số chính sách còn mang tính điều chỉnh chung quốc gia chưa phù hợp với đặc điểm vùng, đặc điểm dân tộc, thiếu sự tham gia của cộng đồng…

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với sự nghiệp phát triển vùng dân tộc nước ta. Ngoài nguyên nhân khách quan do yếu tố lịch sử để lại cũng có nguyên nhân chủ quan trong hệ thống chính sách dân tộc dẫn đến các hạn chế đối với việc thể chế hóa chính sách như: các vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện trong các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội từ đó thiếu cơ sở các chính sách của Chính phủ được xây dựng và thực thi. Bên cạnh đó, các mục tiêu phát triển đối với dân tộc thiểu số chưa được cụ thể hóa vào trong các chiến lược, kế hoạch phát triển cấp quốc gia, từ đó thiếu định hướng cho các chương trình, đề án, dự án, chính sách cho đồng bào dân tộc…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo và cho rằng các ý kiến đã có sự đồng thuận trong định hướng về chính sách dân tộc, từ Hiến pháp đến các văn bản dưới luật và các chính sách cụ thể khác. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng bày tỏ hi vọng có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành có liên quan để người dân thực hiện được các quyền bình đẳng, đồng thời khắc phục những hạn chế của việc Quốc hội quyết định và giám sát thực hiện chính sách dân tộc.

Vân Ngọc