Hội đồng Dân tộc thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Luật về hội và Luật tín ngưỡng, tôn giáo

05/10/2016

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp toàn thể lần thứ 2, ngày 5/10, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã xem xét, cho ý kiến phối hợp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Luật về hội và Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sắp tới. Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu, Nguyễn Lâm Thành, Cao Thị Xuân đồng chủ trì phiên họp.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Hội đồng Dân tộc

Cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật hình sự năm 2015

Theo Tờ trình số 331/TTr- CP ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan hữu quan khác tiến hành rà soát tổng thể các quy định của Bộ luật để phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (Dự án Luật) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.

Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến 141 Điều của Bộ luật, gồm 18 Điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 Điều thộc Phần Các tội phạm, trong đó có 43 Điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 Điều sửa đổi về nội dung quy định trong Điều luật và bãi bỏ 1 Điều.

Nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật gồm: sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số Điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm; sửa đổi, bổ sung mức hình phạt trong các khung của một số điều luật để bảo đảm sự phân hóa rõ, hợp lý mức độ trách nhiệm giữa các trường hợp phạm tội khác nhau; sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành của một số tội phạm để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm; sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc Phần Những quy định chung của Bộ luật Hình sự 2015 để bảo đảm sự nhất quán trong chính sách xử lý, bảo đảm tính bao quát, toàn diện và phù hợp hơn với thực tiễn.

Dự thảo Luật cũng bãi bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; sửa đổi, bổ sung quy định về việc dẫn, các từ ngữ dùng trong điều luật tại 41 điều, khoản của Bộ luật Hình sự 2015 nhằm bảo đảm tính chính xác, logic, rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc giải thích và áp dụng các quy định này của Bộ luật Hình sự 2015 trong thực tiễn.

Phát biểu cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng Dân tộc cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri trong thời gian qua, đa số ý kiến cử tri, nhân dân đều bày tỏ băn khoăn việc Quốc hội mới thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 nhưng qua một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung. Các đại biểu cho rằng, điều này cho thấy cần xem xét một cách nghiêm túc, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, thẩm tra Bộ luật Hình sự 2015; xem xét lại việc đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự 2015 hay chưa?.

Vì vậy, để tránh tình trạng Luật vừa ban hành, chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã phải sửa đổi, từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng luật của Quốc hội, các thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị việc xây dựng Dự thảo Luật lần này cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015; đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét thông qua Dự thảo Luật qua hai kỳ họp, thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, tạm thời vẫn áp dụng Bộ luật Hình sự 1999, sau đó rà soát, sửa đổi toàn diện lại 426 Điều của Bộ luật Hình sự 2015 và tiến tới xây dựng Bộ luật Hình sự 2017. Điều này sẽ để tránh tình trạng sửa đổi, bổ sung 141 Điều như trong dự thảo Luật nhưng sau đó lại phát hiện, phát sinh thêm một số Điều khác cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời cũng đảm bảo việc tiết kiệm, tránh lãng phí khi phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhiều lần.

Đại biểu Quàng Văn Hương- tỉnh Sơn La đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp thu đầy đủ, có sự giải trình, phản hồi các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân; đề nghị cần gửi sớm tài liệu, hồ sơ Dự án Luật cho đại biểu Quốc hội vì đây là một Dự án luật khó. Đại biểu Thào Xuân Sùng- Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị xem xét lại quy trình lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật của các cơ quan, tổ chức, Đoàn thể như Ban Dân vận, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ….

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hà Nội đề nghị cần xem xét rõ khái niệm, phân loại tội phạm (Điều 9), đồng phạm (Điều 17); Điều 12 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự Bộ luật Hình sự 2015 nên quy định như cũ tại Điều 12, Bộ luật Hình sự 1999; đề nghị có sự kết nối, thống nhất, nhuần nhuyễn giữa các chuyên gia pháp lý hình sự với các nhà quản lý chuyên ngành; xem xét lại các tội phạm liên quan đến kinh tế…

Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề nghị rà soát lại các khung hình phạt bởi như hiện nay còn khá rộng, dễ dẫn đến tình trạng khó áp dụng khi thi hành luật; đề nghị một số thuật ngữ, câu, từ cần ngắn gọn, phổ biến, dễ hiểu...

Cân nhắc phương án không điều chỉnh tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập hội tại Việt Nam

Xem xét, thảo luận và cho ý kiến Dự án Luật về hội, đa số các thành viên Hội đồng Dân tộc tán thành với sự cần thiết ban hành và tên gọi của luật như trong Tờ trình của Chính phủ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân, đồng thời phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với các hội.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, về việc áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam, thành lập hội của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, đa số các ý kiến tán thành phương án Luật này sẽ không điều chỉnh việc tổ chức, cá nhân người nước ngoài có quyền thành lập hội tại Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh việc quản lý hội của nước ta hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, việc cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài thành lập hội tại Việt Nam có thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp, khó lường trước. Ngoài ra, hiện Hiến pháp cũng chỉ quy định quyền lập hội của công dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị xem xét cách thức quản lý nhà nước đối với hội không đăng ký; bổ sung khái niệm về hội tại khoản 1, Điều 3 việc “hội phải hoạt động thường xuyên, liên tục”; đổi tên hội đăng ký, hội không đăng ký thành hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị giải thích rõ khái niệm, thuật ngữ đối với các hội tổ chức chính trị- xã hội; hội tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp; hội tổ chức xã hội- nghề nghiệp; hội tổ chức xã hội; xem xét quy định tại Điều 4 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội trong việc “phi chính trị” đối với các hội không phải là hội tổ chức chính trị- xã hội hay chính trị- xã hội- nghề nghiệp; cần có một Chương riêng quy định cho các Tổ chức Phi chính phủ.

Đại biểu K`Nhiễu- tỉnh Lâm Đồng đề nghị thống nhất quy định khoản 1 với khoản 5 tại Điều 3; bổ sung cụm từ “Điều lệ hội” trước cụm từ “Hiến pháp và pháp luật” tại Điều 7; xem xét lại các trình tự, thủ tục, thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội tại Điều 14.

Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Xem xét, cho ý kiến vào Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các thành viên Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với tên gọi, bố cục của Dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng, tên gọi của Luật như hiện nay sẽ bao quát phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó có cả việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tên gọi này cũng phù hợp và có tính kế thừa các văn bản của Đảng và hệ thống pháp luật có liên quan.

Đại biểu Vương Ngọc Hà- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang đề nghị bổ sung đầy đủ những khách thể cần bảo vệ như vấn đề độc lập, chủ quyền, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa….vào Điều 5 về các hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật; đề nghị xem xét thuật ngữ cơ sở tín ngưỡng tại khoản 4, Điều 2 về giải thích từ ngữ, Điều 11 về người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng và Chương III về hoạt động tín ngưỡng cho phù hợp với một số phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị xem xét, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo vào trong Dự thảo Luật. Một số đại biểu khác đề nghị Chính phủ thống nhất giao cho 1 cơ quan chủ trì quản lý để bảo đảm sự thống nhất quản lý về lĩnh vực này, có thể cân nhắc giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại biểu Quàng Văn Hương- tỉnh Sơn La và một số đại biểu khác đề nghị hoạt động giáo dục quy định tại Điều 55 Dự thảo Luật nên theo Phương án tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục.

+ Sáng mai- ngày 6/10, Hội đồng Dân tộc sẽ tiến hành phối hợp thẩm tra Dự án Luật đấu giá tài sản, Dự án Luật thủy lợi và bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 2.

Tin và ảnh: Quang Minh