CẦN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

03/10/2018

Cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tại Hội thảo và buổi làm việc với các bộ ngành về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13, các đại biểu cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước chưa diễn ra thường xuyên, việc xử lý các tranh chấp và xác định trách nhiệm của các bên liên quan chưa triệt để đối với việc sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh.

Tranh chấp đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường chưa được giải quyết triệt để

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đòi lại đất và vi phạm pháp luật về đất đai và pháp luật bảo vệ và phát triển rừng ở các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới nhiều hình thức như hộ gia đình, cá nhân đòi lại đất của ông, cha trước đây mà Nhà nước đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý và đòi lại khi đã hết thời hạn nhận khoán hoặc hết chu kỳ kinh doanh theo hợp đồng; kiến nghị thu hồi đất của các nông lâm trường để giao lại cho các hộ gia đình thiết đất sản xuất, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tranh chấp đất đai giữa người dân di cư tụ do từ các địa phương khác đến lấn chiếm đất đai của các nông, lâm trường và các hộ gia đình, cá nhân tại chỗ đang nhận khoán đất của các nông, lâm trường. Khiếu nại việc nhà nước giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho công ty nông, lâm nghiệp chồng lấn lên đất của người dân đang sử dụng…

Mặc dù các cấp, các ngành đã có rất nhiều cố gắng nhưng do tính chất  phức tạp của các vụ việc, nguồn gốc đất đai và chất lượng của hồ sơ lưu trữ không đảm bảo nên tiến độ xử lý còn rất chậm, nhất là ở khu vực Tây Nguyên.

Hội đồng Dân tộc làm việc với các bộ, ngành về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ13 ngày 26/9 tại Hà Nội

Báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc còn kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý.

Đây là thực trạng trong công tác quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trước năm 2015 đã được Quốc hội chỉ ra trong giám giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh năm 2015.

Đến nay, theo kết quả tái giám sát của Hội đồng Dân tộc, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 13 công ty lâm nghiệp tại Đắk Lắk có 5.490 trường hợp lấn chiếm 21.894,5ha; 41 trường hợp mua bán trái phép 90,5ha; 898 trường hợp xây nhà trái phép tại 10 công ty nông nghiệp…Còn theo báo cáo của Tổng công ty Cà phê, đến nay mới chỉ giải quyết được 11/334 trường hợp vi phạm tranh chấp đất đai cần xử lý.

Quản lý đất đai ở các nông lâm trường còn hạn chế

Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, công tác quản lý nhà nước về đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường ở các địa phương còn bất cập, việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa đầy đủ. Cùng với đó sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở với các công ty nông lâm nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai chưa xử lý một cách triệt để. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các công ty nông lâm nghiệp trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Lý giải về công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường còn hạn chế, việc rà soát, sắp xếp còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, quy mô quản lý của các nông, lâm trường là quá lớn, nguồn lực lại mỏng và công cụ quản lý thô sơ dẫn đến tình trạng nhiều nông, lâm trường không kiểm soát được gây lãng phí tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng. Cùng với đó, lịch sử hình thành các nông lâm trường trải qua nhiều giai đoạn với nhiều chính sách quản lý khác nhau, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp. Phần lớn các nông lâm trường đều có địa hình phức tạp, khó khăn; tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng di dân tự do kéo dài và phân tán ra nhiều khu vực.

Tình trạng các nông lâm trường, Ban quản lý rừng, quản lý quỹ đất rừng lớn nhưng lại cho thuê khoán, không quản lý hoặc quản lý yếu kém để lấn chiếm, người dân tự ý phá rừng làm nương rẫy, nhiều hộ dân tự ý chuyển nhượng nhiều lần, một số tự ý đầu tư tạo lập tài sản trên đất. Do đó, việc giải quyết vấn đề đất đai và tài sản gắn liền với đất khi sắp xếp, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp để quản lý và sử dụng gặp nhiều khó khăn, chi phí bồi thường lớn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân trao đổi về kết quả giám sát tại buổi làm việc của Hội đồng Dân tộc với các bộ, ngành

Tăng cường thanh tra việc tuân thủ pháp luật đất đai đối với đất có nguồn gốc nông lâm trường

Bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung báo cáo kết quả giám sát, phát biểu tại buổi làm việc giữa Hội đồng Dân tộc với các bộ ngành sáng 26/9, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho rằng, báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc cần bám sát các nội dung nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết để phản ánh rõ nét những kết quả thực hiện, như nhiệm vụ “đến hết năm 2016 có phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm cơ bản tình hình tranh chấp đất đai” phải đánh giá được đến nay đã giải quyết được chưa hay vẫn vậy. Trong trường hợp tình trạng không có gì cải thiện thì trách nhiệm thuộc về ai, vấn đề xử lý đối với những chủ thể vi phạm như thế nào.

Đại diện của Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị báo cáo kết quả giám sát cần phải đưa ra giải pháp cụ thể, đột phá và có trọng tâm trọng điểm, xác định lộ trình giải quyết như vùng tranh chấp giải quyết trước, vùng thiếu đất giải quyết trước, vùng xung yếu giải quyết trước…để vào cuộc thực hiện triển khai các nội dung của Nghị quyết một các đầy đủ, quyết liệt. Đồng thời, cần phải có kiến nghị đối với Thanh tra Chính phủ vào thanh tra ngay những doanh nghiệp, đơn vị quản lý, sử dụng đất không hiệu quả, không minh bạch, có dấu hiệu sai phạm, thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra.

Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13

Trong khi đó, trình bày tham luận tại Hội thảo của Hội đồng Dân tộc về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Chiến cho rằng, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh, cần tăng cường sự giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, chấp hành chính sách đất đai đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường, đặc biệt chú trọng giải quyết những vụ việc tồn đọng, ngăn ngừa và xử lý những vụ việc phát sinh mới.

Đồng thời, nếu giải quyết được vấn đề việc làm và thu nhập bằng cách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… để tạo việc làm cho người dân địa phương thì sẽ giảm được áp lực về nhu cầu đất đai cũng như những tranh chấp, khiếu kiện đòi lại đất, lấn chiếm, phá rừng làm rẫy của người dân.

Từ thực tiễn quản lý tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai đề án đo đạc lập bản đồ địa chính nhằm rà soát, xử lý tình trạng tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường; sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về chế tài xử phạt vi phạm hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư, kể cả các công ty lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư nhưng buông lỏng quản lý để đất đai bị lấn chiếm, chặt phá rừng./.

Bảo Yến