NHIỀU NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT 112/2005/QH13 VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH CHƯA THỰC HIỆN HIỆU QUẢ

01/10/2018

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề năm 2018 về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, kết quả giám sát bước đầu của Hội đồng Dân tộc chỉ ra rằng kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết còn chưa rõ nét, chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu đặt ra.

Hậu giám sát về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh

Đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường là nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, với diện tích  9.192.221 ha, chiếm 27,75% diện tích đất liền của cả nước. Năm 2015, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân hạn chế, bất cập trong  quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, để tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai và nguồn tài chính, tài nguyên quốc gia thuộc các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 112/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13

Thực hiện chương trình giám sát năm 2018, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/205/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ giá đình, cá nhân khác sử dụng”. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Hội đồng Dân tộc thực hiện hậu giám sát nhằm phân tích đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản, công tác tổ chức thực hiện và những kết quả đạt được so với yêu cầu đặt ra, từ đó xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan, có những đề xuất nhằm thực hiện tốt hơn công tác. Nội dung giám sát này của Hội đồng Dân tộc sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 chưa rõ nét

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/4/2016 về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường thực hiện sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp. Các Bộ, ngành Trung ương ban hành các Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng đất đai và sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân một số tỉnh đã ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ thị về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn. Qua  03 năm thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, nhiều nội dung của Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 đã được tổ chức thực hiện và có kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện ở một số địa phương, tổng công ty chưa nhận thức rõ được vai trò và tầm quan trọng của Nghị quyết 112/2015/QH13 cũng như Chỉ thị số 11/CT-TTg nên chưa ban hành văn bản quán triệt, tổ chức chỉ đạo thực hiện; chưa xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra. Do vậy, kết quả thực hiện ở một số địa phương chưa phản ánh rõ nét đâu là kết quả thực hiện việc tăng cường quản lý đất đai theo yêu cầu của Quốc hội và đâu là công việc đã và đang thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân trao đổi kết quả giám sát với đại diện các Bộ, ngành liên quan

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng và triển khai thực hiện đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường để tổ chức thực hiện nghiêm túc đề án trong giai đoạn 2016-2020 như quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 112/2015/QH13. Điều này cũng có nghĩa trong tổng số hơn 9.192.221 ha đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường với hơn 754 tổ chức nông lâm nghiệp, ủy ban nhân dân xã, hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng nhưng mới chỉ rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý của 254 công ty nông lâm nghiệp với 2.378.710 ha đạt 25,88%; và còn 74,12% tương ứng với diện tích 6.813.511 ha đất có nguồn gốc nông lâm trường chưa được xây dựng đề án để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.

Cùng với đó, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 13 công ty lâm nghiệp tại Đắk Lắk có 5.490 trường hợp lấn chiếm 21.894,5ha; 41 trường hợp mua bán trái phép 90,5ha; 898 trường hợp xây nhà trái phép tại 10 công ty nông nghiệp…Còn theo báo cáo của Tổng công ty Cà phê, đến nay mới chỉ giải quyết được 11/334 trường hợp vi phạm tranh chấp đất đai cần xử lý.

Ngoài ra, nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả tại một số công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng; tính trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn xảy ra…

Tại hội thảo cũng như buổi làm việc với các bộ ngành về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, các đại biểu tham gia hội thảo cũng như đại diện lãnh đạo bộ, ngành tán thành với nhiều nhận xét, đánh giá của Hội đồng Dân tộc. Theo đó, sau hơn 3 năm thực hiện nghị quyết thấy rằng việc thực hiện Nghị quyết nhiều nơi chưa nghiên túc, chưa đồng bộ, số liệu ở một số địa phương còn mờ nhạt, một số nhiệm vụ chưa hoàn thành. Trong đó, tồn tại lớn nhất việc xây dựng đề án gần như chưa thực hiện nên các nội dung của Nghị quyết chưa được triển khai một cách toàn diện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Hội thảo của Hội đồng Dân tộc, đề nghị nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan rằng, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thực trạng, ở một số địa phương, một số tổng công ty chất lượng xây dựng đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp chưa cao, chưa sát với thực tế; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị thời gian tới, Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nội dung chưa hoàn thành theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội và khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo cáo giám sát đã chỉ ra; phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra trong năm 2019./.

Bảo Yến