HỘI THẢO KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 112/2015/QH13 CỦA QUỐC HỘI

25/09/2018

Ngày 25/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn; đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Trị, Tuyên Quang…cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật việc quản lý và sử dụng đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Kết quả giám sát cho thấy bên cạnh những ưu điểm đạt được thì công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh gặp một số hạn chế, tồn tại như hạn chế trong việc quy hoạch sử dụng đất rừng; hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai và sản xuất kinh doanh; rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường theo Nghị quyết số 28 của Trung ương; khoán giao đất trong các nông lâm trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bàn giao đất cho địa phương quản lý. Để khắc phục tính trạng trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Vừa qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề này. Đây là hoạt động hậu giám sát nhằm mục đích đánh giá việc triển khai thực hiện của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh đã giao cho các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các chính sách về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường.

Hội đồng Dân tộc đã tổ chức 4 đoàn giám sát tiến hành giám sát tại 9 tỉnh, 13 huyện, 5 tập đoàn, tổng công ty và trên 30 công ty nông nghiệp, lâm nghiệp đại diện cho các vùng miền trong cả nước. Trên cơ sở báo cáo của các bộ ngành, địa phương cũng như kết quả giám sát trực tiếp tại các địa phương, Hội đồng Dân tộc xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

Để có thêm ý kiến góp ý về báo cáo kết quả giám sát, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Qua đó có thêm phân tích, đánh giá, thảo luận thẳng thắn từ thực tiễn triển khai của bộ, ngành địa phương bổ sung cho dự thảo báo cáo, đánh giá đúng kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 112 và những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đánh giá 5 mục tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra để tìm ra giải pháp nhằm thực hiện tốt nghị quyết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao việc Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lí rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng", là dịp để các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một hoạt động mới, tiêu biểu, khi lần đầu tiên một cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát lại việc thực hiện Nghị quyết sau giám sát của Quốc hội. Điều đó thể hiện sự quan tâm sát sao, trách nhiệm, theo đuổi đến cùng những vấn đề đã được chỉ ra sau khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao. Hội đồng Dân tộc đã rất chủ động, cầu thị, cởi mở trong tiếp cận vấn đề, tiếp nhận thông tin và tạo diễn đàn để trao đổi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi có báo cáo chính thức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường là nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, với diện tích  9.192.221 ha, chiếm 27,75% diện tích đất liền của cả nước. Năm 2015, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và ban hành Nghị quyết 112/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Qua  03 năm thực hiện, theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc, tham luận của đại diện các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, thấy rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, nhiều nội dung của Nghị quyết 112 đã được tổ chức thực hiện và có kết quả bước đầu, những kết quả được thể hiện rõ trong dự thảo báo cáo của Hội đồng Dân tộc và đánh giá của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan rằng, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118-CP cơ bản đã được thẩm định và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; tuy nhiên ở một số địa phương, một số tổng công ty chất lượng xây dựng đề án chưa cao, chưa sát với thực tế. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc còn kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất được các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và các tổ chức chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh giao cho địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý. Việc xây dựng phương án, quy hoạch sử dụng đất chưa kịp thời, nhất là việc giao đất cho đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất còn chậm. Phần lớn diện tích này đã bị lấn chiếm, sử dụng từ trước, khi chuyển giao về cho địa phương, chủ yếu để hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn tình trạng lãng phí nguồn lực do chưa tổ chức tốt việc thu tiền giao đất, cho thuê đất.

Ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí cho phần đo đạc, cắm mốc ranh giới của các công ty nông, lâm nghiệp, còn các Ban quản lý rừng, Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn và các diện tích của tổ chức, cá nhân khác chưa được bố trí, hoặc chưa có cơ chế giải quyết kinh phí để đo đạc, cắm mốc ranh giới...

Từ những hạn chế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị thời gian tới, Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nội dung chưa hoàn thành theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội và khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo cáo giám sát đã chỉ ra. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra trong năm 2019. Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát thông qua các hình thức chất vấn, giải trình đối với Chính phủ, các bộ ngành về quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham mưu, đề xuất cho Quốc hội, Chính phủ phân bổ ngân sách từ Trung ương để xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất đai nói chung, đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường nói riêng trong năm 2019 – 2020. Cùng với đó, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai tại các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 tại các địa phương; thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh; thực trạng việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường; cơ chế chính sách, hình thức tổ chức sản xuất cho đồng bào dân tộc thiếu số được giao đất trên diện tích được giao nhằm nâng cao thu nhập và ổn định đời sống góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cùng dân tộc thiểu số./.

Bảo Yến