ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH THẠNH, TỈNH BÌNH ĐỊNH

03/08/2018

Ngày 02/08, Đoàn công tác của Hội đồng dân tộc do Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/ QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trước năm 2007, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định chỉ có 1 lâm trường quốc doanh là Lâm trường sông Kôn. Thực hiện nghị định số 200/2004 của Chính Phủ, năm 2007 Lâm Trường Sông Kôn đã sắp xếp, chia tách thành Công ty lâm nghiệp Sông Kôn, quản lý gần 13.300ha và Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý gần 14.300ha. Từ đó đến nay, trong quá trình quản lý sử dụng đất đai đã xảy ra biến động giảm tổng cộng khoảng 1.180ha. Trong đó chủ yếu là do trao trả về địa phương: 538ha, chênh lệch sau khi đo đạc, rà soát: 136ha, 508ha để xây dựng thuỷ điện…

Trong quá trình thực hiện quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh, 2 đơn vị này đã gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, xâm canh đối với hơn 880ha tại vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định với Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Khi Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tiến hành trồng rừng sản xuất được 417ha thì người dân bắt đầu phản ứng.

Phó Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Ngọc Đạo, cho biết, sau khi công ty tiến hành trồng được 417ha thì đến năm 2008 bắt đầu khai thác. Đến năm 2013, người dân lại ùa vào chiếm lại diện tích mà công ty đã trồng, làm mất 318ha. 2 tỉnh, 2 huyện họp và làm việc rất nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được.

Ngoài ra, hiện Vĩnh Thạnh đang có khoảng 804 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số hộ dân tộc thiểu số nghèo, thiếu đất sản xuất chiếm đến 50%. Đây cũng là vấn đề mà huyện cần phải quan tâm sát sao hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hội đồng dân tộc cũng dành nhiều sự quan tâm đến vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định mới vừa được phát hiện.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân 

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân nhận thấy: "Vừa qua chúng tôi đang đi giám sát tại Huế thì thấy tin 23 cây gỗ Giỗ, Dồi bị phá. Đến hôm nay tôi thấy các đồng chí kiểm lâm ở huyện đã xử lý rất kịp thời, xử lý, khởi tố hình sự, chúng tôi rất hoan nghênh. Bên cạnh đó với diện tích đất rừng và rừng lớn như vậy thì huyện với chức năng của huyện, qua thanh tra đã phát hiện và xử lý như thế nào đối với các vụ việc liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, cũng như vấn đề quản lý sử dụng đất đai."

Trong buổi làm việc ngày 03/8 với UBND tỉnh Bình Định, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến những vụ phá rừng diễn ra thời gian gần đây tại Bình Định. Ngoài ra, các đơn vị cũng gửi đến Đoàn giám sát nhiều kiến nghị, trong đó có việc tăng cường lực lượng kiểm lâm trên địa bàn. Bởi thực tế Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh hiện chỉ có 15 kiểm lâm thực hiện quản lý tổng diện tích lên tới hơn 35.000ha./.

Mỹ Phượng

Các bài viết khác