Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 71d020a1-b929-90a9-5115-a197c91d926d.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH NGUYỄN THỊ PHÚC: ĐÁNH GIÁ LẠI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI Ở VIỆT NAM

30/09/2018

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, đã chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, về làm rõ hiệu quả cũng như hạn chế của mô hình trường học mới (gọi tắt là VNEN) đang được triển khai ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Mô hình trường học mới ở Việt Nam

Ngày 01/11/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5135 trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Phúc, trong đó nêu rõ: Bản chất mô hình trường học mới là thay đổi phương thức dạy học thông qua việc đổi mới hình thức tổ chức lớp học (tăng tính tự quản, học tập theo nhóm của học sinh) và đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh (học sinh học theo nhóm tìm tòi khám phá kiến thức dưới sự hỗ trợ của giáo viên). Đây là phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm giúp học sinh qua quá trình học tập, rèn luyện có thể phát triển được phẩm chất, năng lực.

Để có những nhận định khách quan, từ tháng 2/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tiến hành nghiên cứu, đánh giá để đưa ra kết luận về những ưu điểm, hạn chế, các nguyên nhân của mô hình trường học mới. Theo đó, ưu điểm của mô hình này là:

- Giáo viên chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, tự học; tạo môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, hợp tác nhằm phát triển năng lực của học sinh.

- Học sinh được phát huy vai trò chủ thể của quá trình học tập; hiểu được ý nghĩa của việc học và kiến thức học được; chủ động, tự tin trong tương tác, giao tiếp với giáo viên và bạn bè.

Lớp học được tổ chức theo mô hình trường học mới

Tuy nhiên, qua khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy quá trình thử nghiệm mô hình trường học mới có những hạn chế:

- Ở một số nơi, công tác tuyên truyền vận động chưa hiệu quả nên chưa tạo được sự đồng thuận của các cấp và cộng đồng; việc triển khai mô hình còn máy móc, thiếu linh hoạt.

- Một số giáo viên chưa thực hiện được vai trò là người hướng dẫn học sinh học, tự học, chưa thực hiện đúng tinh thần lấy học sinh làm trung tâm.

- Môi trường lớp học ở một số nơi chưa đảm bảo cho việc thực hiện phương pháp này. Sĩ số lớp học đông, bàn ghế chưa phù hợp dẫn đến cách ngồi theo nhóm trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

- Một số học sinh không theo kịp chương trình, nhất là học sinh vùng khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số. Học sinh học lực trung bình, học lực yếu còn rụt rè, chưa theo kịp tiến độ và nội dung bài học.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lộ trình triển khai mô hình trường học mới chưa phù hợp

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, nguyên nhân của khó khăn này là lộ trình triển khai mô hình này chưa phù hợp; có nơi việc mở rộng triển khai nóng vội, không phù hợp đối với những vùng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông… nên chưa đạt hiệu quả, gây ra những băn khoăn trong dư luận xã hội và phụ huynh học sinh. Cán bộ và giáo viên tại một số địa phương chưa được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng chu đáo; còn tình trạng áp dụng mô hình một cách máy móc, chưa phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục.

Để triển khai mô hình trường học mới đạt chất lượng và hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4068 ngày 18/8/2016 và Công văn số 3459 ngày 8/8/2017 yêu cầu các cơ sở giáo dục: Rà soát, đánh giá, chỉ ra các bất cập và đưa ra các giải pháp trong quá trình triển khai mô hình tại địa phương. Tổ chức tốt công tác truyền thông, tăng cường tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý. Bộ Giáo dục cũng yêu cầu các trường dừng triển khai mô hình trường học mới nếu chưa đủ điều kiện.

Việc triển khai mô hình trường học mới cần thực hiện theo hướng nào trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Phúc về nội dung này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn bằng văn bản đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn tập trung vào vấn đề gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Qua tiếp xúc cử tri liên quan đến chương trình đào tạo giáo dục bậc phổ thông, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình đào tạo trong đó có chương trình Mô hình trường học mới (VNEN). Cử tri bức xúc cho rằng mô hình này hiện nay thực hiện chưa phù hợp, gây khó khăn cho học sinh trong tiếp cận kiến thức đặc biệt đối với những học sinh đầu cấp khi chưa có kỹ năng cụ thể liên quan đến việc học, dẫn đến chất lượng tiếp thu kiến thức của học sinh ảnh hưởng đến kết quả học tập. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại hiệu quả của chương trình này và đề nghị có định hướng về đào tạo trong thời gian tới. Từ bức xúc đó, tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời, đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung trả lời chất vấn của đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Ngay sau khi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng kịp thời có văn bản trả lời. Tôi hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng, trong đó nói rõ bản chất của mô hình này, nói rõ ưu điểm của mô hình này là phát huy tính tự học của học sinh, tính chủ động trong việc dạy và học của giáo viên và học sinh, qua đó phát huy tính năng động của học sinh, gắn việc đào tạo kiến thức với kỹ năng. Bộ trưởng cũng nêu được bản chất của mô hình này và chúng ta đang thực hiện ở bước thử nghiệm. Thứ hai, Bộ trưởng cũng nêu được những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện mô hình này và hướng trong thời gian sắp tới. Tôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng rõ ràng và tôi hài lòng với phần trả lời này.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, để triển khai mô hình trường học mới cần chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất và tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Phóng viên: Thưa đại biểu, Bộ trưởng đã phân tích những ưu điểm và đưa ra lộ trình thực hiện mô hình giáo dục mới đang được triển khai tại Việt Nam. Theo quan điểm của đại biểu, mô hình này có phù hợp và khắc phục được những tồn tại, bất cập của giáo dục Việt Nam trong những năm qua?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Qua nghiên cứu tôi thấy thời điểm hiện nay, với điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo kỹ. Công tác tuyên truyền trong giáo viên, học sinh và phụ huynh chưa được triển khai hiệu quả. Vì vậy, để phát triển mô hình trường học mới ở thời điểm này chưa phù hợp và thực tế là nhiều tỉnh đã dừng triển khai mô hình này. Nhưng nghiên cứu cho kỹ thì về lâu về dài nếu chúng ta chuẩn bị kỹ về điều kiện, phương tiện vật chất, các bước triển khai thì tôi thấy khả năng phù hợp. Bởi mô hình này giúp học sinh phát triển, từ việc truyền đạt kiến thức gắn với phát triển kỹ năng của học sinh, khắc phục được tồn tại, hạn chế trong giáo dục thời gian qua, đặc biệt là việc quá tải, chưa gắn đào tạo kiến thức với kỹ năng cũng như phẩm chất đạo đức của học sinh. Về lâu dài, nếu tổng kết chu đáo, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì tôi nghĩ sẽ phù hợp.

Phóng viên: Thời gian qua, ngành giáo dục liên tục đổi mới cải cách giáo dục, thậm chí học sinh chưa kịp làm quen thì lại tiếp tục đổi mới và cải cách. Theo đại biểu, ngành giáo dục Việt Nam cần làm gì để xác định đúng lộ trình, phù hợp với thực tế và không gây hoang mang trong xã hội?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Để đổi mới mang tính toàn diện và bền vững, theo tôi ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, như rà soát lại hệ thống trường lớp, từ đó môi trường đào tạo và hệ thống trường lớp phải đáp ứng với yêu cầu dạy và học của học sinh. Đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo. Thứ hai là rà soát lại chương trình, để giảm tải chương trình, làm sao chương trình cô đọng, đảm bảo chất lượng. Thứ ba là cần định hướng gắn đào tạo với đào tạo kỹ năng để qua đó học sinh vừa nắm vững kiến thức mà có kỹ năng ứng dụng trong thực tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lan Hương