Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: b48119a1-99df-90a9-7816-2e5f4c58cc5a.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

Kích thích tổng cầu và phát triển thị trường - cốt lõi thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp

27/10/2014

Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, nhiều ĐBQH cho rằng xét tổng thể thì kết quả đạt được năm 2014 là rất tích cực. Kinh tế tăng trưởng ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Dẫu vậy, vẫn còn đó một số băn khoăn về tính chính xác của con số thống kê, hạn chế trong khâu quản lý nhà nước trên không ít lĩnh vực, hay thực trạng tổng cầu của nền kinh tế yếu, số doanh nghiệp gặp khó khăn còn lớn...

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Đã đến lúc phải đánh giá thật nghiêm túc và đầy đủ về quản lý Nhà nước

Năm 2014, nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH của chúng ta đạt và vượt kế hoạch, trong đó, có những chỉ tiêu rất quan trọng như tăng trưởng GDP, lần đầu tiên từ năm 2011 đến nay, ước đạt kế hoạch QH đề ra. Tôi đánh giá cao sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành. Tuy nhiên, tôi đề nghị phân tích, làm rõ vấn đề quản lý Nhà nước khi QH đánh giá về tình hình KT-XH năm 2014, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch năm 2015.

Tôi rất tiếc là trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập nhiều đến vấn đề này. Những yếu kém của nền kinh tế như vậy thì lỗi của quản lý Nhà nước đến đâu, trách nhiệm của quản lý Nhà nước như thế nào? Tôi cho rằng mọi yếu kém, hạn chế, tiêu cực đều có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý. Thực tế vừa qua cho thấy, cứ lĩnh vực nào xảy ra vấn đề gì thì đều có nguyên nhân là do buông lỏng quản lý. Ví dụ trong quản lý đất đai, cấp sổ đỏ. Nghị quyết của QH yêu cầu rồi nhưng không thực hiện được. Tôi đi tìm hiểu nguyên nhân thì mới thấy là có tiêu cực. Cứ hồ sơ lấp vào đấy nhưng không có tiền bôi trơn thì không làm. Cái này ai cũng biết. Khi chất vấn vấn đề này tại Phiên họp của UBTVQH thì tôi nghĩ rằng đây là vấn đề của xã hội, các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét để xử lý cho dân, giúp cho việc quản lý Nhà nước về đất đai tốt hơn. Nhưng nhiều người lại hỏi: bằng chứng ở đâu? ĐBQH chuyên trách như chúng tôi làm gì có cơ chế đi điều tra, xem xét, xác minh? Chúng tôi có quyền phản ánh ý kiến của cử tri về vấn đề đó còn việc đó có hay không là việc của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng lại cứ nhăm nhăm hỏi ĐBQH bằng chứng ở đâu? Vừa rồi, tôi đã chính thức bàn giao cho cơ quan chức năng, cả băng ghi âm, tài liệu đơn thư người dân kiến nghị, tố cáo.

Tôi đề nghị, đã đến lúc phải đánh giá thật nghiêm túc và đầy đủ về quản lý Nhà nước. Nếu không nâng được chất lượng của quản lý Nhà nước cũng như chất lượng của đội ngũ công chức Nhà nước thì chúng ta sẽ vẫn còn kêu mãi, tiêu cực vẫn diễn ra, không xử lý được.

ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Chính phủ rất cố gắng đề ra những giải pháp kích thích tổng cầu, phát triển thị trường, nhưng kết quả lại cho thấy giải pháp chưa thật sự phát huy hiệu quả

Xét tổng thể năm 2014 thì kết quả đạt được là sự chuyển biến rất tích cực. Kinh tế tăng trưởng ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách lại cho thấy một bức tranh kinh tế không sáng sủa. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tồn kho tăng cao so với năm 2013; tỷ lệ doanh nghiệp phá sản giải thể còn rất lớn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội suy giảm mấy năm liên tục và năm 2014 dự kiến còn thấp đi nữa, khoảng 30,1% GDP. Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu diễn biến phức tạp và dự kiến tăng. Về cơ cấu giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chi giữa Trung ương hỗ trợ địa phương còn nhiều bất cập. Tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, chuyển giá gây thất thu ngân sách nhà nước còn khá lớn... Những điều này đều gây ra khó khăn cho cân đối ngân sách, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Và hệ quả là bội chi ngân sách lớn. Nợ công tăng nhanh và cao, dự kiến ở mức 64%, năm 2015 là 64,9%, chạm trần theo Nghị quyết QH cho phép là 65%.

Tôi cơ bản đồng tình với những giải pháp Chính phủ báo cáo Quốc hội, nhưng cũng còn vài suy nghĩ. Trước hết, mấy năm qua, Chính phủ rất cố gắng đề ra những giải pháp kích thích tổng cầu và cũng là để phát triển thị trường, nhưng nhìn vào kết quả lại thấy chưa hiệu quả lắm, vì thực trạng là tổng cầu yếu, doanh nghiệp khó khăn lớn. Cho nên, Chính phủ cần phân tích kỹ hơn về các chính sách đã đặt ra trong thời gian qua, đặc biệt cần xác định rõ trong thực hiện thì khâu nào yếu,  cái gì chưa hợp lý để các chính sách ban hành trong thời gian tới sẽ có hiệu quả hơn trong việc kích thích tăng tổng cầu và phát triển thị trường – đây là vấn đề cốt lõi để sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển. Đi kèm theo đó cần đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đây là một trong những giải pháp kích thích tổng cầu. Vừa qua, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ký kết để tiêu thụ sản phẩm của nhau, tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, tuyên truyền rất là nhiều, nhưng theo tôi nó mới mang tính chất phong trào và động viên nhiều hơn, còn ý nghĩa thiết thực thì chưa nhiều.

Thứ hai, về kiềm chế lạm phát, đây là một kết quả rất tích cực, chúng ta đã giảm lạm phát từ 2 con số xuống mức thấp, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô rất lớn. Nhưng chỉ số phân tích cho thấy 9 tháng đầu năm 2014, mức CPI vào khoảng 2,25%, nếu trừ đi số chủ động điều chỉnh giá dịch vụ của Nhà nước là 0,48% thì thực chất CPI chỉ còn 1,77% và dự kiến cả năm CPI khoảng 4,5 – 4,7%. Quay trở lại những năm trước, có thể thấy, năm 2013, CPI là 6,04% và nếu trừ đi việc chủ động điều chỉnh giá dịch vụ của Nhà nước là 1,8% thì CPI chỉ còn hơn 4%; năm 2012, tổng thể là 6,81% và nếu trừ đi chủ động điều chỉnh giá dịch vụ của Nhà nước là 3,5% thì CPI thực chất là 3,3%. Trong khi kế hoạch CPI đặt ra là 5 – 7% thì có nên chăng nới lỏng biên độ một chút để có tác động kích thích trở lại thị trường, hỗ trợ thị trường, làm sao cho sản xuất kinh doanh đỡ khó khăn hơn, tạo việc làm tốt hơn và qua đó cũng tăng thu ngân sách và giảm nợ xấu...

ĐBQH Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa): Đánh giá tổng thể sẽ thấy những kết quả kinh tế-xã hội đạt được là sự cố gắng lớn

Nếu chỉ xét ở góc độ kinh tế thì năm 2014, chúng ta vẫn gặp rất nhiều khó khăn và nhiều ý kiến tỏ ra bi quan. Nhưng nếu đánh giá tổng thể tình hình KT-XH chúng ta sẽ thấy những kết quả đạt được trong năm nay là sự cố gắng rất lớn. Tại sao kinh tế của chúng ta vẫn khó khăn như vậy? Theo tôi, có một nguyên nhân quan trọng là bởi, chúng ta phải gánh quá nặng về vấn đề xã hội. Tổng chi cho an sinh xã hội của nước ta là 18% - đây là mức rất cao. Chính điều này đã góp phần quan trọng làm cho tình hình an ninh, chính trị xã hội của chúng ta ổn định hơn, tốt hơn, dân cũng thấy yên tâm hơn.

Tôi chỉ nói 3 việc chúng ta cần xử lý mà tác động rất nhanh. Thứ nhất là chính sách người có công, mấy chục năm rồi, bây giờ chúng ta mỗi năm phải chi trả, năm 2012 là 25.000 tỷ đồng, năm 2013 là 30.000 tỷ đồng và năm 2014 là tăng 2.000 tỷ đồng. Đây là một cái chúng ta gánh rất nặng về chính sách xã hội. Và những cái này không thể đánh giá bằng năng suất lao động được. Thứ hai là về hỗ trợ cho người có công với cách mạng, khi ra Nghị quyết 494 của QH sau khi giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đồng thời sửa 2 pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và bà mẹ Việt Nam anh hùng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, chúng ta đã phải xử lý gần 72.000 hộ với gia đình chính sách lúc bấy giờ. Đang phải xử lý gần 167.000 hộ thì chúng ta quay lại xử lý chính sách cho người có công, như vậy ngân sách cũng phải bỏ ra mất 2.230 tỷ đồng, địa phương có bỏ ra nhưng cũng chỉ có mấy trăm triệu đồng. Và hiện nay, Bộ Tài chính đang phải cân đối 365.000 tỷ đồng theo đề nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội là phải thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết 494.

Theo dõi suốt quá trình, chúng tôi nhận thấy tổng chi cho an sinh xã hội hàng năm ở mức 18% là rất cao, trong khi năng suất lao động còn thấp. Với tác động lớn như vậy về mặt xã hội và chính vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên tình hình an ninh, chính trị, xã hội đất nước đã tốt hơn, dân cũng thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên cũng còn một số điểm, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, 47% là hộ nghèo, khoảng 2 triệu hộ thì gần 1 triệu hộ dân tộc.

Như vậy nếu chúng ta đánh giá là sự công bằng và sự đồng đều của nền kinh tế đúng hơn là đánh giá các mặt đầu tư.

Qua báo cáo của Chính phủ, so với trước chúng ta có báo cáo thẩm tra dự báo 4 chỉ tiêu không đạt, trong khi hiện cơ bản đã có 13 chỉ tiêu đạt và 1 chỉ tiêu không đạt, thế nhưng 1 chỉ tiêu không đạt cũng là có vấn đề. Cho nên, có lẽ cần nghiên cứu để đánh giá một cách đúng hơn. Tôi không nói là số liệu nêu trong Báo cáo không đúng nhưng tôi cho rằng phương pháp thống kê, điều tra và báo cáo có vấn đề. Năm 2006, chúng ta tăng trưởng 8,25% và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP là 41,5% và từ năm 2006 đến 2013, toàn bộ đầu tư toàn xã hội xuống còn 30,1% năm 2014. Việc giảm này tôi cho là có lý vì tăng chi xã hội. Và cũng có lý do này lý do khác, nhưng rõ ràng ở đây cùng với sự sụt giảm về đầu tư xã hội thì chi ngân sách cho đầu tư phát triển giảm đi, giai đoạn 2011 – 2015 chỉ có 18%, còn 2006 – 2010 là 25% trong tổng chi ngân sách. Rõ ràng đầu tư giảm đi, tốc độ tăng trưởng giảm nhanh, năm 2010 là 6,78% rồi xuống 5,42% và năm nay khoảng 5,8% theo dự báo. Vậy thống kê số liệu này chuẩn hay không chuẩn? Năm 2010 chúng ta đầu tư lớn như vậy, tăng trưởng 6,78% nhưng độ co giảm giải quyết việc làm là 0,4, tức là cứ 1% tăng GDP chỉ có 0,4% tăng việc làm mới. Đến 2013 báo cáo là 0,57 nhưng số lao động được giải quyết việc làm vẫn nằm ở khoảng 1,6 triệu – đây là điều hết sức băn khoăn. Thậm chí, chính trong số liệu của Chính phủ báo cáo cũng không thống nhất: một là số việc làm tăng thêm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và một con số lao động được tạo việc làm. Về con số việc làm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 1,3 triệu việc làm, còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 1,61 triệu việc làm (?); năm 2012, con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 1,3 triệu việc làm, còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 1,5 triệu việc làm - như vậy là để giải quyết cái gì? Về mặt số liệu, tôi thấy Chính phủ nên xem xét có nên dùng chỉ tiêu giải quyết việc làm theo cách thống kê như thế này hay không? Cái này kéo theo câu chuyện là vừa rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đưa ra con số tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta là 1,84, thấp nhất thế giới, thấp nhất cả khu vực nên nhiều ý kiến rất băn khoăn. Về mặt phương pháp thì không sai, nhưng về đặc điểm thị trường lao động của nước ta là không chuẩn. Tổ chức Lao động thế giới (ILO) điều tra trong 7 ngày và trong 7 ngày người lao động không có việc làm, còn bản thân người lao động đang kiếm công việc và chưa có việc làm thì vẫn gọi là không có việc làm - như vậy là không chính xác. Vì sao ILO lại tính theo phương pháp đấy, vì các nước 90% số lao động là trong quan hệ lao động? Chỉ cần lấy lao động đang thất nghiệp chia cho lao động đang có việc làm sẽ ra ngay tỷ lệ thất nghiệp chung. Nhưng chúng ta lại là 47% số lao động trong khu vực nông nghiệp mà chiếm cơ cấu trong GDP chỉ 18%, thế nên khi cộng số lao động trong quan hệ lao động với số lao động phi chính thức, tính số lao động thất nghiệp bằng tổng số lao động thất nghiệp chia cho số lao động đang có việc làm trong nền kinh tế quốc dân, nên dẫn tới kết quả tỷ lệ thất nghiệp thấp. Do cách tính không đúng, chứ thật ra tỷ lệ thất nghiệp của ta có đúng hay không thì cần phải tính lại và phải tính theo ngành nghề, khu vực đô thị hoặc theo lĩnh vực có quan hệ lao động hoặc không có quan hệ lao động. Nhưng báo cáo vẫn là năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,88%, năm 2013 là 2,2% và năm nay giảm xuống còn 1,84% - những con số này nó không chính xác. Cho nên khi đưa ra thường là các chuyên gia hoặc các nhà kinh tế hoặc bản thân người dân cũng không đồng tình. Chúng tôi kiến nghị chuyện này và đề nghị tính tổng tỷ lệ thất nghiệp theo lĩnh vực, theo ngành, theo khu vực có quan hệ lao động và khu vực nông thôn.

(Theo Đại biểu Nhân dân)