GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SỬA ĐỔI LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ - ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN

22/01/2021

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) sau gần 15 năm thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Luật GDĐT cũng cho thấy Luật đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Luật Giao dịch điện tử tồn tại một số bất cập cần sửa đổi

Thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; Sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử;...là những ứng dụng mạnh mẽ ghi nhận thành công của việc triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực tiêu biểu. Luật giao dịch điện tử ra đời đã có tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử và giao dịch giữa cơ quan nhà nước với người dân,....” - Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ.

Được Quốc hội Quốc hội khóa XI, thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006, Luật Giao dịch điện tử được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế, bao gồm: 8 Chương và 54 điều mang tính chất luật khung, nguyên tắc đối với các vấn đề kỹ thuật của giao dịch trên môi trường điện tử. Triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử ngay khi có hiệu lực pháp lý, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức đã khẩn trương tiến hành công tác tổ chức, thực hiện nhằm đưa Luật vào cuộc sống.

Theo Bà Lê Hoài Thu, Phó Trưởng phòng, Phòng Pháp chế và Kiểm tra, Vụ An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông: Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các bộ, ngành và địa phương trong cả nước triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong hoạt động dân sự và đặc biệt trong thương mại. Luật được xem là yếu tố tích cực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước....”.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật GDĐT cùng với các luật chuyên ngành đã đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, Luật GDĐT đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay như: các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định chưa rõ ràng giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng từ điện tử; thiếu quy định trong Luật GDĐT về chứng từ, hồ sơ tương ứng với các quy định về “bản gốc”, “bản chính”, “bản sao” trong pháp luật truyền thống; các vấn đề quy định về quy trình, thủ tục và pháp lý cụ thể của các bước trong giao kết hợp đồng điện tử… Từ thực tiễn quản lý tại Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, cho biết, “Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn và chữ ký điện tử an toàn, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, Luật còn thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử, dẫn tới hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử...”

Bên cạnh đó, theo ý kiến một số chuyên gia tại Hội thảo Tổng kết Luật Giao dịch điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Tư pháp, Tài chính tổ chức, Luật GDĐT 2005 cũng bộc lộ nhiều bất cập trong quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể như giá trị pháp lý, trường hợp sử dụng và việc công nhận, liên thông giữa chữ ký điện tử chuyên dùng trong cơ quan nhà nước và chữ ký điện tử công cộng, gây khó khăn trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân;…

Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 nhằm giải quyết một số vướng mắc, bất cập và phù hợp với thực tế hiện nay. Vậy, đâu là nội dung cần quan tâm sửa đổi? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

 Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa XIII

Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa XIII: Luật GDĐT được Quốc hội ban hành vào năm 2006. Như vậy, sau gần 15 năm thi hành, đặt trong bối cảnh hiện nay khi công nghệ thông tin phát triển, công nghệ số chiếm ưu thế thì Luật GDĐT đã bộc lộ những bất cập, điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển như: trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi.. còn thiếu nhất quán dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống; về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử chưa thực sự đầy đủ,... Do đó, tới đây việc sửa đổi Luật là cần thiết. Tuy nhiên, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung gì là vấn đề mấu chốt hiện nay. Sửa đổi phải cân nhắc làm sao phù hợp với thực tiễn và tạo động lực phát triển.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Luật GDĐT được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử trong các lĩnh vưc. Góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính,... Tuy nhiên sau 15 năm thi hành, với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin  thì Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: quy định về phạm vi điều chỉnh chưa bao quát hết; một số khái niệm thuật ngữ đã không còn phù hợp; vấn đề quy định chữ ký số; thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử; trách nhiệm của các Bộ ngành trong thực thi luật;....

Ngoài ra, quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử còn thiếu, nhất là liên quan đến các luật chuyên ngành với đặc thù trong giải quyết tranh chấp. Luật GDĐT hiện nay cũng chưa quy định và công nhận giá trị pháp lý của các hình thức xác thực khác. Như vậy, chữ ký điện tử có thể có nhiều hình thức như chữ ký số, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng sinh trắc học, nhận dạng giọng nói,... Hiện nay cần cụ thể hóa các hình thức này bằng văn bản quy phạm pháp luật. Cũng cần quy định chữ ký điện tử có nhiều cấp độ khác nhau, phục vụ cho độ tin cậy cần thiết của mỗi giao dịch.

Ông Cao Sỹ Khiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII

Ông Cao Sỹ Khiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII: Luật GDĐTvà các văn bản dưới Luật đã đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để đẩy mạnh giao dịch điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội nói chung. Vì vậy, trong bối cảnh mới việc sửa đổi là cần thiết để tạo động lực cho giao dịch điện tử tiếp tục phát triển. Cần chú trọng sửa đổi các quy định hiện đã không còn phù hợp như trong lĩnh vực thương mại điện tử; chữ ký số; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử;... Những quy định sửa đổi tới đây cần quy định cụ thể về tranh chấp và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử;... hướng tới minh bạch và bảo vệ tốt nhât quyền lợi hợp pháp của các đối tượng tham gia vào giao dịch điện tử.

Từ kết quả tổng kết thực tiễn hơn 15 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cũng như ý kiến của các vị đại biểu có thể thấy, Luật đang tồn tại một số bất cập. Vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định phải đáp ứng phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, kinh tế số. Đồng thời phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử./.

 

Lê Anh