ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CẦN CÓ GIẢI PHÁP TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ SAU KHI DỊCH BỆNH COVID-19 CHẤM DỨT

23/04/2020

Để phục hồi nền kinh tế sau khi dịch bệnh Covid-19 chấm dứt, Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng Việt Nam cần có giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc lại các khu vực sản xuất để tăng thêm chuỗi cung ứng sao cho không quá lệ thuộc vào nguồn cung sản phẩm từ nước ngoài.

 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào đầu tháng 4/2020, Chính phủ đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 61.500 tỷ đồng.

Trước đó, vấn đề này đã được đưa ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Theo Nghị quyết, có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ bằng tiền gồm: Người có công với cách mạng (500.000 đồng/tháng), đối tượng bảo trợ xã hội (1 triệu đồng/tháng), người lao động (1,8 triệu đồng/tháng), hộ kinh doanh cá thể (1 triệu đồng/tháng), lao động tự do (1 triệu đồng/tháng), hỗ trợ doanh nghiệp (vay lãi suất 0%). Điều đặc biệt quan tâm của gói hỗ trợ này không chỉ giúp người dân, người lao động vượt qua khó khăn mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và góp phần phục hồi nền kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, đối tượng doanh nghiệp nào mới cần được hỗ trợ và việc giải ngân số tiền Chính phủ thông qua như thế nào để có hiệu quả cao nhất lại là vấn đề không hề dễ dàng. Để làm rõ vấn đề, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.


Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Tại phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào đầu tháng 4/2020, Chính phủ đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 61.500 tỷ đồng. Trong số các đối tượng được thụ hưởng có doanh nghiệp đang gặp khó khăn và chịu tác động của dịch bệnh. Đại biểu nhìn nhận về gói hỗ trợ, đặc biệt là đối tượng là doanh nghiệp như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Việc thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội lên tới hơn 61.500 tỷ đồng (chiếm 1/15 ngân sách quốc gia) đã thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt của Chính phủ đới với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đây là lần đầu tiên, người dân được nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Còn đối với doanh nghiệp, gói hỗ trợ sẽ phải được thực hiện trên 2 phương diện gồm: Sử dụng chính sách về tài khóa và chính sách tiền tệ.

Phương thức hỗ trợ về mặt tài khóa nhằm giảm bớt những gánh nặng cho doanh nghiệp khi vẫn phải chi trả những khoản tiền cho dù có hoạt động hay không như: tiền thuế đất, thuê mặt bằng; tiền phí, lệ phí. Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể thực hiện theo hình thức miễn, giảm những khoản đóng góp trên.

Trong thời gian nước ta thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều bị đình trệ hoạt động. Nếu như Chính phủ không triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp thì họ sẽ chồng chất khó khăn. Bởi vậy, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, trả lương cho lao động và góp phần phục hồi nền kinh tế.

Phóng viên: Theo đại biểu, những đối tượng doanh nghiệp như thế nào thì mới nên được hưởng hỗ trợ?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Mặc dù trước tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn có những doanh nghiệp phát triển tốt như doanh nghiệp sản xuất các dụng cụ y tế, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, kinh doanh trên mạng xã hội. Theo tôi, những doanh nghiệp này không cần phải nhận sự hỗ trợ từ gói anh sinh xã hội của Chính phủ.

Còn lại phần lớn doanh nghiệp đều đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đặc biệt là những ngành bị ảnh hưởng nhiều như: Du lịch, hàng không, vận tải, logistic và sản xuất kinh doanh... đều cần được sự hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ.

Đối với việc hỗ trợ theo chính sách về tín dụng, tài chính, tiền tệ, chúng ta cũng phải lựa chọn đúng doanh nghiệp để xác định xem họ được hưởng bao nhiêu tiền, phương thức hỗ trợ như thế nào. Để thực hiện được chính sách này phụ thuộc rất nhiều từ nguồn hỗ trợ của các ngân hàng. Còn ngân sách của Nhà nước chỉ đảm bảo cho các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc giảm lãi suất vay bằng 0 hoặc thậm chí thấp hơn, chứ không phải Chính phủ hỗ trợ trực tiếp tiền vay cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Theo đại biểu, trước sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp cần phải làm gì để góp phần vào việc hồi phục, ổn định hoạt động sau khi dịch bệnh Covid-19 chấm dứt?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Trước tiên, các doanh nghiệp cần xác định rõ mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với mình ở những lĩnh vực, công đoạn nào để có thể sử dụng tiền hỗ trợ nhằm vượt qua được khó khăn khi dịch bệnh chấm dứt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không thể lạm dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ để sử dụng vào mục đích khác.

Các doanh nghiệp phải xác định, gói hỗ trợ của Chính phủ cho mình không phải vực dậy tất cả những khó khăn mà doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh. Bên cạnh việc sử dụng gói hỗ trợ hiệu quả thì doanh nghiệp cần tổ chức tái cấu trúc hoạt động. Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền vay với lãi suất thấp từ ngân hàng để duy trì cuộc sống tối thiểu của người lao động cũng như duy trì hoạt động sản xuất ổn định để khi dịch bệnh qua đi thì người lao động vẫn tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp.

Còn người lao động cũng phải hợp tác với doanh nghiệp như chỉ nhận một phần tiền lương để vượt qua những khó khăn mà doanh nghiệp đang bế tắc. Vì vậy, giữa doanh nghiệp và người lao động cần có sự thỏa thuận với nhau trên tinh thần xây dựng, cùng chia sẻ khó khăn.

Ngoài ra, về phía cơ quan Nhà nước cũng cần có biện pháp kiểm soát doanh nghiệp được nhận hỗ trợ; đồng thời xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp lạm dụng gói hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những việc làm không chính đáng, đúng mục đích.

Phóng viên: Theo dự báo của đại biểu, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc và Chính phủ, các Bộ ngành, doanh nghiệp cần phải có những giải pháp mạnh mẽ nào để có thể phục hồi nền kinh tế?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Dịch bệnh Covid-19 không chỉ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu. Cho dù Việt Nam có khống chế được dịch bệnh sớm thì vẫn phải phụ thuộc vào tình trạng chung của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, nền kinh tế trong nước không thể sớm phục hồi mà cần thêm thời gian, chờ đợi nền kinh tế thế giới được phục hồi.

Khi dịch bệnh Covid-19 ở trên thế giới được kiểm soát thì việc kích cầu tiêu dùng của các nước sẽ tăng trở lại nhưng không tăng mạnh như trước khi xuất hiện dịch bệnh.

Việt Nam là nước có sự giao thương về kinh tế theo hướng đối ngoại nên mức độ suy giảm nền kinh tế của Việt Nam rất lớn. Nếu nước ta bước qua đợt dịch bệnh Covid-19 sớm hơn so với các nước khác thì việc quay trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng nhanh hơn. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý, các điều kiện sẵn sàng thực hiện tốt các hoạt động sản xuất để hòa nhập nhanh khi thị trường thế giới hồi phục.

Hiện nay, Việt Nam còn phụ thuộc vào nền kinh tế của một số khu vực về nguồn cung cấp, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, trong giai đoạn chống dịch bệnh lây lan, chúng ta cần có những giải pháp để tái cấu trúc lại nền kinh tế, tái cấu trúc lại các khu vực sản xuất để tăng thêm chuỗi cung ứng sao cho không quá lệ thuộc vào nguồn cung sản phẩm từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, không bị lệ thuộc vào một thị trường ở khu vực và hay một nơi nào đó trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta phải tái cấu trúc nền kinh tế thì mới có thể thích ứng nhanh với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và chấm dứt.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác