Thông cáo phiên họp thứ hai Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII

02/10/2011

Từ ngày 26 tháng 9 đến ngày 1 tháng 10 năm 2011, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 2 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015.

- Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng: mặc dù năm 2011, nước ta gặp nhiều khó khăn, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, điều hành quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành,…nền kinh tế tiếp tục có bước phát triển khá, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu chưa đạt dự toán đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ số lạm phát còn cao, đầu tư công còn dàn trải, bội chi ngân sách nhà nước còn lớn; các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh; các chính sách điều hành, quản lý thị trường tiền tệ, giá cả, phân phối trong một số ngành, lĩnh vực chưa tốt; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết...

- Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, giảm bội chi ngân sách nhà nước, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp điều kiện thực tiễn, đưa chỉ số lạm phát xuống một con số…

- Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015 và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (được bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015 mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua để xây dựng các kế hoạch, quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm tính khả thi, khoa học, bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với tinh thần đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh các tờ trình, dự án, báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 7 dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII sắp tới, trong đó có 01 dự án trình Quốc hội thông qua là Luật cơ yếu và 6 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến là các dự án: Luật quảng cáo, Luật quản lý giá, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật giám định tư pháp, Luật giáo dục đại học, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đến nay, các dự án luật này đã được chuẩn bị tương đối tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo luật, đảm bảo chất lượng, thời gian gửi các vị đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và cho rằng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII phải được xây dựng trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. Việc xem xét, đưa các dự án vào Chương trình cần đặt trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, theo đó cần tập trung xây dựng các dự án luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, về bầu cử… Đồng thời, cần ưu tiên hợp lý các dự án trong các lĩnh vực khác để đảm bảo yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh các dự án, báo cáo, tờ trình để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai sắp tới.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011; dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XII.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung các báo cáo và cho rằng công tác tiếp dân năm 2011 đã được các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm, chú trọng hơn và đã có sự kết hợp giữa tiếp công dân với việc nghiên cứu, xử lý vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đạt kết quả, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy cơ quan, tổ chức quan tâm, giải quyết tốt hơn, sát thực tế hơn những kiến nghị của cử tri, đồng thời tạo niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tuy vậy, số lượt đoàn khiếu nại đông người tăng so với cùng kỳ năm trước, số lượng đơn thư được giải quyết đạt tỷ lệ thấp; việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm, nhiều văn bản trả lời cử tri của một số cơ quan còn thiếu cụ thể… Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban dân nguyện tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo theo hướng đánh giá cụ thể hơn kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân của công tác dân nguyện trong năm 2011, đề ra giải pháp thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Nhìn chung, hoạt động của làng nghề có vai trò và vị trí xứng đáng trong phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, vùng miền và cả nước, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém trong việc phát triển các khu kinh tế, làng nghề, nhất là về môi trường. Cần có các giải pháp để khắc phục hạn chế, yếu kém, bảo đảm để các khu kinh tế, làng nghề phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát, Thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai sắp tới.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí các nội dung của Tờ trình về Đề án và đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng Đề án nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Tờ trình Quốc hội theo hướng xác định cụ thể hơn các vấn đề đổi mới thực hiện ngay tại kỳ họp thứ hai để báo cáo Quốc hội tại phiên họp trù bị của kỳ họp thứ hai sắp tới.

 

(Văn phòng Quốc hội)