Thông cáo phiên họp thứ 11 Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XIII

20/09/2012

Từ ngày 12 đến ngày 17 tháng 9 năm 2012, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 11 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất về dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XIII. Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương triển khai các công việc chuẩn bị để kỳ họp Quốc hội diễn ra đúng dự kiến và đạt kết quả tốt.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 02 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Luật xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo các dự án luật trên gửi các vị đại biểu Quốc hội theo quy định.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 05 dự án luật sau:

- Về dự án Luật hộ tịch: Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, thông qua đó, giúp cho Nhà nước quản lý dân cư tốt hơn, góp phần xây dựng, hoạch định và phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để công nhận và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch chưa được quy định đầy đủ, thống nhất và đồng bộ, chủ yếu là các văn bản hướng dẫn nên hiệu lực thi hành còn hạn chế; có nhiều quy định phức tạp, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc thực hiện và quản lý công tác này. Do dự án Luật hộ tịch đang còn một số vấn đề chưa đủ cơ sở và chưa có sự thống nhất cao nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật kỹ hơn trình Quốc hội cho ý kiến tại một kỳ họp sau.

- Về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Qua 6 năm thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực trên các phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng như: quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng còn chung chung, chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện; ... Vì vậy, việc ban hành Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là cần thiết nhằm thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

- Về dự án Luật đất đai (sửa đổi): Luật đất đai được Quốc hội thông qua năm 2003, đã tạo hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường bất động sản, mở rộng và bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giữ ổn định chính trị, đảm bảo an ninh xã hội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật đất đai năm 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tế hiện nay như: các quy định về đất đai còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mẫu thuẫn; có quá nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật; quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa phù hợp; chính sách tài chính còn bất cập, định giá đất chưa sát với thị trường; ... Do đó, việc ban hành Luật đất đai (sửa đổi) là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở; giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế thu hồi đất; giá đất; giải quyết tranh chấp đất đai; bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; ...

- Về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi): Qua 12 năm thi hành, Luật khoa học và công nghệ được ban hành năm 2000, đã có một số bất cập như sau: việc áp dụng phương pháp, quy trình, chuẩn mực quốc tế trong hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ và nghiên cứu phát triển còn hạn chế; chưa tận dụng được nguồn công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của thế giới, chưa thu hút được nguồn vốn nước ngoài và chuyên gia giỏi của các nước phát triển, chưa đào tạo được nhiều tập thể khoa học mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế; ... Do đó, cần thiết phải ban hành Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) để hệ thống văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ thống nhất, đồng bộ, đảm bảo sự phù hợp và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nâng cao vị thế quốc tế về khoa học-công nghệ của Việt Nam, đồng thời tiếp tục khẳng định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển nhanh và bền vững; phát huy và tận dụng mọi cơ hội trong và ngoài nước để tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: các tổ chức khoa học và công nghệ; cơ chế tài chính và tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ; ...

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân: Luật thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tài chính của công dân, huy động nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần điều tiết thu nhập trong dân cư. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế không còn phù hợp với tình hình mới, nhất là mức động viên từ thu nhập của người dân; chưa bao quát hết những vấn đề phát sinh trên thực tế; một số quy định về thủ tục chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Vì vậy, để kịp thời khắc phục những bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, đảm bảo đơn giản hóa chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế thì việc sửa đổi Luật là cần thiết. Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: xây dựng căn cứ mức giảm trừ gia cảnh phù hợp (7 triệu hoặc 9 triệu); thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế; biểu khung thuế suất; ...

                   Với 4 dự án luật còn lại, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư.

                  4. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 báo cáo kết quả giám sát về:  

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai: Triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện và việc chuẩn bị dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, trong đó dự thảo Báo cáo cần bám sát trọng tâm nội dung tiến hành giám sát để đưa ra những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giải quyết được những vấn đề tồn tại, bức xúc của nhân dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, làm rõ những vấn đề cần giải trình, tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng Báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ tư.

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số: Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện và sự chuẩn bị dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát khá công phu, đã phản ánh tương đối đầy đủ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập và đề xuất, kiến nghị những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, trong đó cần làm rõ hơn nguyên nhân thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và biện pháp, nguồn lực, thời hạn cụ thể giải quyết tình trạng còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí việc ban hành Nghị quyết; yêu cầu Chính phủ sớm tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, sớm có giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém để tập trung tháo gỡ cho hơn 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất; nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai trong vùng dân tộc thiểu số khi sửa đổi Luật đất đai và một số luật liên quan...

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tích cực khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. 

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án “Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”.

Đề án "Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn" được xây dựng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 4, Khóa XI của Đảng; đồng thời, tham mưu, giúp Quốc hội, Hội đồng nhân dân tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo Đề án, Nghị quyết báo cáo Bộ Chính trị.

7. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về  dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2013.

(Văn phòng Quốc hội)