Thông cáo phiên họp thứ nhất của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI

15/03/2007

Từ ngày 26 đến ngày 29-8-2002, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

1 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XI.

- Đánh giá về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kỳ họp đã cơ bản hoàn thành chương trình đề ra; nhất là việc xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước. Công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp được chuẩn bị chu đáo. Các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân cả nước.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan khác; hoan nghênh sự đóng góp tích cực của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân cả nước đã góp phần quan trọng vào kết quả của kỳ họp.

- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XI. Nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp này là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua một số dự án luật và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan triển khai thực hiện việc chuẩn bị để kỳ họp có thể được tiến hành vào đầu tháng 11-2002.

2- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua chương trình công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến hết năm 2002. Theo đó, những công tác chủ yếu trong thời gian trên là:

- Chỉ đạo việc chuẩn bị tốt kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XI;

- Chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2003 và toàn khoá XI (2002-2007);

- Chuẩn bị xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua một số dự án pháp lệnh; xem xét, cho ý kiến về một số dự án luật để trình Quốc hội;

- Chỉ đạo chuẩn bị nội dung và triển khai thực hiện chương trình giám sát, tập trung vào những vấn đề lớn được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội;

- Tăng cường công tác hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân;

- Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác tiếp dân; đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

- Tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2002, tập trung tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 23 Đại hội đồng AIPO tại Hà Nội trong tháng 9;

- Chỉ đạo công tác bảo đảm cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội (trong đó có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách).

3 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án: Pháp lệnh Động viên công nghiệp, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Toà án nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân địa phương trong việc quản lý các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức; dự án Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân(sửa đổi).

- Việc ban hành Pháp lệnh Động viên công nghiệp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về động viên công nghiệp; góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sửa chữa trang thiết bị bảo đảm cho quân đội bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân hiện hành được ban hành năm 1993, qua 9 năm thực hiện đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, qua thực tiễn, một số quy định của Pháp lệnh này không còn phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước. Để thực hiện Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân được Quốc hội khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 11(4-2002), cần phải sửa đổi kịp thời Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân.

- Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân hiện hành ban hành năm 1993, qua 9 năm thực hiện đã phát huy tác dụng tích cực trong việc xây dựng và tăng cường đội ngũ Kiểm sát viên. Tuy nhiên, để thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 11 (4-2002) và giải quyết một số vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra, do đó việc sửa đổi Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân là cần thiết.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo các dự án Pháp lệnh trên phối hợp chặt chẽ với các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua trong các phiên họp sau.

4- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp lần thứ 23 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam á(AIPO) được tổ chức từ ngày 8 đến ngày13-9-2002 tại Hà Nội. Việc tổ chức tốt kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập của nước ta vào sự phát triển của khu vực và thế giới. Chủ tịch Quốc hội nước ta, với cương vị là Chủ tịch AIPO nhiệm kỳ 2001-2002, Quốc hội nước ta sẽ có điều kiện góp phần đẩy mạnh sự hợp tác nhiều mặt trong khối, góp phần thực hiện tốt các cam kết đã nêu trong Chương trình hành động Hà Nội và tuyên bố Hà nội (7-2001). Đây cũng là dịp để Quốc hội nước ta thực hiện trách nhiệm của mình đối với tổ chức Liên Nghị viện khu vực, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương và đa phương đối với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.