Thông cáo phiên họp thứ năm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Từ ngày 7 đến 9-1-2003, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 5 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI.

Về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI, trên cơ sở Báo cáo tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, mặc dù phải thực hiện một khối lượng công việc lớn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, sự chuẩn bị và phục vụ chu đáo của các cơ quan hữu quan nên kỳ họp đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra, bảo đảm yêu cầu chất lượng và rút ngắn được thời gian so với dự kiến.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; của các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân cả nước đã góp phần quan trọng làm cho kỳ họp thành công.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xác định rõ, nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp này là công tác xây dựng pháp luật và xem xét báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2002; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2003. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian thỏa đáng để xem xét báo cáo công tác của một số cơ quan Nhà nước, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; các báo cáo chuyên đề về các vấn đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; nghe trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan Nhà nước hữu quan, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, có sự phối hợp chặt chẽ và khẩn trương chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra để bảo đảm cho kỳ họp khai mạc đúng thời gian, đạt kết quả tốt.

2 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Chương trình công tác năm 2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với các nội dung chủ yếu như sau:

Về công tác xây dựng pháp luật, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và năm 2003; phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án trong cả nhiệm kỳ. Trước hết chỉ đạo chuẩn bị trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc chương trình năm 2003.

Về công tác giám sát, chỉ đạo tập trung thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, tình hình chuẩn bị và triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; các vấn đề về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giám sát tình hình thi hành pháp luật, hoạt động của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Về các công tác quan trọng khác, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; công tác dân nguyện và việc giám sát tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện bảo đảm các điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội; kiện toàn tổ chức và chỉ đạo hoạt động của bộ máy giúp việc Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội...

3 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh dân số nhằm nâng cao trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong công tác này; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường, thống nhất quản lý nhà nước về dân số, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

4 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.

Trong thời gian qua, tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục gia tăng dưới nhiều hình thức tinh vi, trá hình, nhiều trường hợp hoạt động có tổ chức. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn này nhưng chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh và hiệu quả thấp. Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh này là rất cần thiết, nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc, hạnh phúc gia đình, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và sự phát triển của con người; góp phần tăng cường trật tự, an toàn xã hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh văn bản để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại một phiên họp sau.

5 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc chuyển đổi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Việc cho phép chuyển đổi hình thức hoạt động của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hình thức công ty cổ phần sẽ đem lại nhiều tác động tích cực đối với doanh nghiệp, đối với xã hội cũng như đối với các hoạt động kinh tế nói chung. Làm được việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc huy động vốn, luân chuyển vốn, cải thiện phương thức quản trị doanh nghiệp và tăng cơ hội tham gia hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp này thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tiến dần tới việc nhất thể hóa hệ thống pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần quan trọng vào việc hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức thí điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

6 - Theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua các nghị quyết sau đây:

- Nghị quyết về danh sách các Uỷ viên của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án Quân sự trung ương.

- Nghị quyết về trang phục đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án và đối với Hội thẩm; về Giấy chứng minh Thẩm phán và Giấy chứng minh Hội thẩm.

- Nghị quyết về danh sách các Uỷ viên của Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Quân sự trung ương.

- Nghị quyết về trang phục đối với cán bộ, công chức ngành Kiểm sát và Giấy chứng minh Kiểm sát viên.

7 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Cam-pu-chia và Malaysia của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu từ ngày 23 đến ngày 30-12-2002 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Cam-pu-chia Hoàng thân Norodom Ranariddh và Chủ tịch Hạ viện Malaysia Mohamed Zahir Ismail. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả tốt đẹp của chuyến thăm này vì đã có đóng góp tích cực vào việc củng cố, tăng cường quan hệ láng giềng, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước Cam-pu-chia và Malaysia.