Thông cáo phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14/03/2007

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 12 năm 2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp phiên thứ 45 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI.

Về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10: Trên cơ sở Báo cáo của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng, kỳ họp đã thành công tốt đẹp trên nhiều mặt, từ việc chuẩn bị, cách thức tiến hành đến công tác phục vụ và những kết quả đạt được, đã thu hút nhiều hơn sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước. Với tinh thần làm việc dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn tất toàn bộ chương trình đề ra, đảm bảo chất lượng, tiến độ và được cử tri đánh giá cao, nhất là những đổi mới tích cực về phương thức làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực điều hành và tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội và những người đứng đầu các cơ quan nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan khác; đồng thời hoan nghênh các cấp, các ngành và nhân dân cả nước trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11: Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận thông qua 2 dự án luật, cho ý kiến 2 dự án luật khác; xem xét báo cáo chính thức của Chính phủ về nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2006 và việc triển khai nhiệm vụ năm 2007; xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước; nghe báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tích cực triển khai các công việc chuẩn bị cho kỳ họp.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn và các Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo việc chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, thông qua 9 dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến 10 dự án luật khác tại 3 kỳ họp; xem xét, thông qua 13 dự án pháp lệnh và 1 nghị quyết; chỉ đạo triển khai các hoạt động giám sát và các hoạt động khác theo luật định. Là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung vào việc chỉ đạo tổng kết nhiệm kỳ khóa XI của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; công bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII; dự kiến nhân sự các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII; tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập, chủ trì các kỳ họp Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Bảo vệ mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

Hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực đang có những diễn biến phức tạp; ở nước ta, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia đang đặt ra những yêu cầu mới. Việc ban hành Pháp lệnh bảo vệ mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia là cần thiết nhằm điều chỉnh thống nhất và tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế, các lực lượng vũ trang và mọi công dân hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính.

Biện pháp quản chế hành chính được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp này đã có tác dụng góp phần bảo vệ chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện tăng cường xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc áp dụng biện pháp quản chế hành chính không còn phù hợp nữa, do đó cần xem xét để bãi bỏ.

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn sau 8 năm thực hiện đã đem lại kết quả tích cực, góp phần đổi mới đời sống sinh hoạt chính trị, xã hội ở các địa phương trong cả nước. Việc ban hành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và phù hợp với hệ thống luật pháp hiện hành.

6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự; cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn kinh phí được trích năm 2006 cho Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở 2% số tiền thực nộp vào Kho bạc Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện.