Thông cáo phiên họp thứ 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

14/03/2007

Từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 8 năm 2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 21 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án: Luật kiểm toán nhà nước, Luật công an nhân dân, Luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và Pháp lệnh giám định tư pháp.

- Về dự án Luật kiểm toán nhà nước: Kiểm toán nhà nước là công cụ kiểm tra tài chính công quan trọng của quốc gia. Hoạt động của kiểm toán nhà nước góp phần phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí công quỹ; góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, việc ban hành Luật kiểm toán là rất cần thiết.

- Về dự án Luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế: Sau 5 năm thực hiện, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đã phát huy tác dụng tốt nhưng cũng xuất hiện yêu cầu khách quan đòi hỏi phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho các cơ quan nhà nước thống nhất thực hiện một quy trình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; góp phần thúc đẩy các quan hệ đối ngoại và đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật công an nhân dân.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội.

- Về dự án Pháp lệnh giám định tư pháp: Giám định tư pháp có vai trò quan trọng đối với hoạt động tố tụng, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học, góp phần giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Việc ban hành Pháp lệnh giám định tư pháp là nhằm tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới; quy định toàn diện, đầy đủ và đồng bộ hơn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động giám định tư pháp.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi).

- Việc ban hành Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước khi có sự đe dọa gây thiệt hại từ phía các hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam.

- Việc ban hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi) là nhằm khắc phục những hạn chế, nhất là về tổ chức bộ máy, phân định thẩm quyền giữa các cơ quan điều tra, trình độ của điều tra viên…, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, bảo đảm phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mới được Quốc hội ban hành và các quy định khác của pháp luật, góp phần tăng cường đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong tình hình mới.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm và Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong những năm gần đây, sự tăng nhanh về số lượng nông sản, thực phẩm  đã đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do thiếu sự quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất dùng trong thực phẩm nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có biện pháp tích cực tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý nhà nước đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực này.

- Về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Sau 5 năm thực hiện, Quy chế đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Xác định rõ hơn trách nhiệm của những người đứng đầu tổ chức, đơn vị; tạo sự đổi mới trong nhận thức và phương thức phát huy dân chủ trong nội bộ các tổ chức cũng như trong nhân dân; giúp nhân dân hiểu rõ hơn quyền làm chủ của mình; tạo cơ sở pháp lý để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng; góp phần quan trọng trong việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa; tạo cơ chế và điều kiện cụ thể để nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

Cùng với những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai, việc thực hiện Quy chế dân chủ chưa đồng bộ, chưa toàn diện, chưa đi sâu, nhất là việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Nhận thức về quyền dân chủ và phát huy quyền làm chủ của một bộ phận nhân dân và cán bộ, công chức cũng như lãnh đạo các đơn vị còn hạn chế. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa tạo nếp chủ động, thường xuyên, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng và thực hiện Quy chế mà Chính phủ nêu ra và nhấn mạnh: cần tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ một cách sâu, rộng và toàn diện trong cả nước, tạo thành nền nếp làm việc thường xuyên, tự giác và lâu dài của của các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như của cán bộ và nhân dân.

4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định một số vấn đề nhà đất theo Tờ trình của Chính phủ.

5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức Hàn Quốc và Niu Dilân của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu từ ngày 21 đến 30 tháng 7 năm 2004 . Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao kết quả chuyến thăm vì đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và giáo dục giữa nước ta với Hàn Quốc và Niu Di-lân.

6. Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị tham dự Đại hội đồng Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) lần thứ 25.