Thông cáo phiên họp thứ hai của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Từ ngày 25-9 đến ngày 4-10-2002, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

  Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XI.

 Nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp này là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến về một số dự án luật và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến kỳ họp này có các nội dung chủ yếu sau:

a) Về các báo cáo:

- Xem xét các báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2002; phương hướng, nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước năm 2003; tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2001;

- Các báo cáo công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

-  Một số báo cáo thường lệ tại các kỳ họp cuối năm của Quốc hội và một số báo cáo chuyên đề về các vấn đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

b) Về công tác xây dựng pháp luật:

Quốc hội sẽ xem xét thông qua:

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Luật ngân sách nhà nước(sửa đổi);

- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI;

- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm2003;

- Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi);

- Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ xem xét và cho ý kiến về các dự án: Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật thống kê, Luật kế toán và Luật biên giới quốc gia.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thành tốt việc chuẩn bị về mọi mặt để kỳ họp được tiến hành vào thượng tuần tháng 11-2002.

2- Tiếp tục chuẩn bị nội dung của kỳ họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các dự án:

- Dự án Luật ngân sách nhà nước(sửa đổi): Luật ngân sách nhà nước hiện hành (ban hành năm 1997), qua 5 năm thực hiện đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường khả năng và tiềm lực tài chính, phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Việc sửa đổi Luật ngân sách nhà nước được thực hiện trên cơ sở cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung và để phù hợp với các nội dung có liên quan trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ nhằm tăng cường hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của các ngành và các địa phương trong việc quản lý tài chính - ngân sách đã được phân cấp. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định và thực hiện ngân sách; bảo đảm tính công khai, minh bạch và dân chủ trong chi tiêu ngân sách.

- Dự án Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội: Giám sát là một trong ba chức năng hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Trong những năm qua, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội mặc dù đã có cố gắng, thu được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động giám sát của Quốc hội tuy đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật nhưng chưa đồng bộ và thiếu cụ thể. Việc ban hành Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội nhằm thể chế hoá đường lối của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 1992 về quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, góp phần bảo đảm cho các quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

- Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI và năm 2003: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chương trình phải được xây dựng trên cơ sở thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần quan trọng phục vụ các yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.

 - Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (sửa đổi): Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh các dự thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI vừa qua và ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo các dự án nói trên phối hợp chặt chẽ với các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản với mức độ hoàn thiện nhất để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

3 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án: Pháp lệnh dân số, Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự (sửa đổi) và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự(sửa đổi).

- Về dự án Pháp lệnh dân số: Trong những năm qua, công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và đang ngày càng tăng sẽ là những thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong khi đó việc chỉ đạo công tác dân số từ trước đến nay chỉ dựa vào các thông tư, chỉ thị, nghị quyết, các quy định pháp luật về dân số chưa thống nhất và đồng bộ. Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh dân số là cần thiết nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân số; tạo cơ sở pháp lý thực hiện công tác dân số có hiệu quả hơn,  góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

- Về dự án Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự (sửa đổi): Pháp lệnh hiện hành (ban hành năm1993), qua hơn 9 năm thực hiện đã góp phần quan trọng về tổ chức và hoạt động của các Toà án quân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn, một số quy định của Pháp lệnh cần được cụ thể hoá và sửa đổi cho phù hợp. Việc ban hành Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thi hành các quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân (vừa được ban hành năm 2002) về tổ chức và hoạt động của Toà án quân sự; đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách tư  pháp, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.

- Về dự án Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự (sửa đổi): Pháp lệnh hiện hành (ban hành năm1993), qua hơn 9 năm thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Viện kiểm sát quân sự; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng; các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (vừa được ban hành năm 2002) nhằm tập trung thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, việc ban hành Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát nhân dân(sửa đổi) là cần thiết.

4- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua:

- Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân (sửa đổi) : Việc thông qua Pháp lệnh này nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đảm bảo cho bộ máy tư pháp trong sạch, vững mạnh.

- Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) : Việc thông qua Pháp lệnh này nhằm củng cố, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.

- Nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân.

- Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế phối hợp giữa Toà án nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân địa phương trong việc quản lý các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức.

- Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 22, Điều 23 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Việc thông qua Pháp lệnh này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chính sách ưu đãi đối với người có công giúp đỡ cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.

5 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình tai nạn giao thông và các biện pháp khắc phục. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giao thông vận tải trong những năm qua đã phát triển nhanh chóng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi hơn, góp phần phục vụ công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhất là tai nạn giao thông đường bộ xẩy ra nghiêm trọng, trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Tai nạn giao thông không chỉ gây tồn thất lớn về người và tài sản mà còn để lại hậu quả lâu dài cho gia đình và xã hội.

Để khắc phục tình hình trên, hạn chế thiệt hại tính mạng, sức khoẻ và tài sản của Nhà nước và nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm của mình, khẩn trương tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp hữu hiệu để lập lại trật tự, an toàn giao thông. Chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống giao thông; xây dựng chiến lược giao thông phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

6 - Theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc cử Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

7 - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về kết quả kỳ họp lần thứ 23 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) được tổ chức từ ngày 8 đến ngày13-9-2002 tại Hà Nội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao thắng lợi của kỳ họp này. Đây là  kỳ họp đầu tiên của Đại hội đồng được tổ chức tại Việt Nam, đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập AIPO. Thành công của kỳ họp đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường khối đoàn kết Hiệp hội ASEAN, giữ vững các nguyên tắc truyền thống của khối và mở rộng sự hợp tác với bên ngoài, tạo được sự đồng thuận và thống nhất trong đa dạng theo nguyên tắc ASEAN và AIPO.