Thông cáo phiên họp thứ 42 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Từ ngày14 đến ngày 19-5-2001, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nông Ðức Mạnh và Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

1- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X và nhận thấy, đến nay các công việc chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp đã cơ bản hoàn thành. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp, khai mạc ngày 22-5-2001 tại hội trường Ba Ðình, Hà Nội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan khác, tiếp tục khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị để góp phần bảo đảm cho kỳ họp thành công tốt đẹp.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2000; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2001.

Năm 2000, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn có bước phát triển khá, đã chặn được đà giảm sút nhịp độ tăng trưởng kinh tế và lấy lại được nhịp độ tăng trưởng cao. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt mức cao hơn so với số đã trình Quốc hội khoá X tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Các lĩnh vực văn hoá-xã hội có những tiến bộ. Quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng và tăng cường. Ðời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2001 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao. Các lĩnh vực khác đều có bước phát triển khá. Ðó là những thành tựu rất quan trọng. Tuy vậy, so với mục tiêu đề ra cho cả năm thì mức đạt được còn thấp, nhiệm vụ của 8 tháng còn lại rất nặng nề. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2001. Ðồng thời, nhấn mạnh một số giải pháp đối với các vấn đề sau đây: Ðẩy mạnh các chủ trương kích cầu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, củng cố và hoàn thiện mô hình hợp tác xã và mô hình kinh tế hộ điều chỉnh cơ cấu đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chấn chỉnh công tác điều hành ngân sách và hoạt động của hệ thống ngân hàng; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách nhà nước trên cơ sở dự toán đã được Quốc hội quyết định; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; tiếp tục giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tham nhũng; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hơp với Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo trên để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

3- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chỉnh lý các dự án Luật di sản văn hoá, Luật hải quan và Luật giao thông đường bộ để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

- Dự án Luật di sản văn hoá đã được chuẩn bị trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Việc ban hành đạo luật này nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới. Ðồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và khuyến khích sự tham gia của nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Dự án Luật hải quan được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm 10 năm thực hiện Pháp lệnh hải quan (ban hành năm 1990); đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các Ðoàn đại biểu Quốc hội. Việc ban hành Luật hải quan nhằm bảo đảm thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá, khoa học và công nghệ, hợp tác và giao lưu quốc tế bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.

- Về dự án Luật giao thông đường bộ: Thời gian qua, tình hình trật tự giao thông đường bộ diễn biến phức tạp, tình trạng ách tắc giao thông đô thị và tai nạn giao thông tăng lên. Việc ban hành Luật giao thông đường bộ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, đề cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn, thuận lợi, phục vụ thiết thực nhu cầu đi lại của nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo 3 dự án Luật trên phối hợp với các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

4- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật bảo hiểm xã hội và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động.

- Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Ðảng và Nhà nước ta, được quy định trong Hiến pháp. Thông qua việc hỗ trợ để bảo đảm đời sống cho người lao động và thân nhân của họ khi mức thu nhập bị giảm sút, bảo hiểm xã hội đã góp phần giữ vững ổn định và an toàn xã hội. Tuy vậy, các quy định của pháp luật và các chính sách hiện hành đã bộc lộ một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện. Việc ban hành Luật bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần phát triển nền kinh tế-xã hội, an sinh xã hội và tăng cường sự quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

- Bộ luật lao động hiện hành ban hành năm 1994, qua hơn 6 năm thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đồng bộ, bình đẳng để điều chỉnh các quan hệ lao động theo cơ chế mới; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên quan hệ lao động; vai trò quản lý nhà nước về lao động từng bước được tăng cường. Tuy vậy, trước tình hình phát triển mới của nền kinh tế-xã hội và nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành, một số quy định của Bộ luật hiện hành cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động là rất cần thiết.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo 2 dự án Luật trên phối hơp với các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

5- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh phí và lệ phí.

Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới cơ chế kinh tế, các hình thức thu phí và lệ phí ngày càng phát triển và mở rộng. Nhiều văn bản về việc thu phí và lệ phí được ban hành, góp phần quan trọng tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tuy vậy, các văn bản đó còn thiếu thống nhất và chưa đồng bộ. Việc ban hành Pháp lệnh phí và lệ phí nhằm tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước kiểm soát được các loại phí và lệ phí do Nhà nước đang thu, xoá bỏ các loại phí, lệ phí do các cấp, các ngành ban hành không đúng thẩm quyền, không đúng quy định. Ðồng thời, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và tăng cường sự quản lý nhà nước về hoạt động phí và lệ phí.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hơp với Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại một phiên họp sau.

6- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao (sửa đổi) nhằm điều chỉnh một bước những bất hợp lý trong Pháp lệnh hiện hành, góp phần thực hiện công bằng xã hội, động viên một phần thu nhập của cá nhân có thu nhập cao cho ngân sách nhà nước.

7- Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban thể dục thể thao của ông Hà Quang Dự.