Thông cáo phiên họp thứ 40 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Trong các ngày từ 14 đến 19-2-2001, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nông Ðức Mạnh.

1- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X.

Trên cơ sở Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng, nội dung trọng tâm của kỳ họp này là công tác xây dựng pháp luật. Ðồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2000, tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2001. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan khác, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực triển khai các công việc chuẩn bị theo kế hoạch đã đề ra. Ðồng thời, lưu ý các cơ quan chức năng chủ động gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các dự án luật, các báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật di sản văn hoá và dự án Luật hải quan.

Dự án Luật di sản văn hoá đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Việc ban hành Luật này nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới. Ðồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, khuyến khích nhân dân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Dự án Luật hải quan được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định hợp lý của Pháp lệnh hải quan (ban hành năm 1990). Ðồng thời, được bổ sung, hoàn chỉnh theo tinh thần Hiến pháp năm 1992 và thể chế hoá đường lối đổi mới kinh tế - xã hội của Ðảng và Nhà nước ta. Việc ban hành Luật này là yêu cầu cấp bách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, tạo ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội liên quan đến hoạt động hải quan, tác động tích cực đến kinh tế đối ngoại, sản xuất và lưu thông, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần giữ vững ổn định chính trị trong điều kiện đòi hỏi phát triển nhanh và bền vững về kinh tế.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các Ban soạn thảo 2 dự án Luật trên phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

3- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) và dự án Pháp lệnh tài liệu lưu trữ quốc gia.

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành (ban hành năm 1995), qua hơn 5 năm thực hiện tuy đã phát huy tác dụng tích cực, nhưng cũng bộc lộ những bất hợp lý cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc ban hành Pháp lệnh mới để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lữu trữ quốc gia (ban hành năm 1982) đã góp phần tăng cường cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành lưu trữ, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và công dân trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài liệu lữu trữ quốc gia. Tuy vậy, để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới, việc ban hành Pháp lệnh tài liệu lưu trữ quốc gia thay thế Pháp lệnh hiện hành là cấp thiết nhằm bảo vệ an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ quốc gia, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các Ban soạn thảo 2 dự án Pháp lệnh trên phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại một phiên họp sau.

4- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bố trí một số vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các Ðoàn đại biểu Quốc hội trong thời gian tới.

Việc tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Ðảng (khoá VIII) là rất cần thiết. Trước mắt, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý với việc các Ðoàn đại biểu Quốc hội căn cứ vào tình hình cụ thể và khả năng cán bộ để xem xét, quyết định việc bố trí đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương mình.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tới việc tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội chuyên trách thực hiện được chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật .

5- Theo đề nghị của Bộ tư pháp, căn cứ vào Ðiều 22 của Pháp lệnh về thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc cử ông Hoàng Khang, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao tham gia làm Uỷ viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Toà án quân sự khu vực.

6- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về công tác thi đua khen thưởng của Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan của Quốc hội đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ðể thực hiện tốt việc chỉ đạo phong trào thi đua của cơ quan, động viên toàn thể cán bộ, công chức phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí về chủ trương, kế hoạch, biện pháp phát động và chỉ đạo phong trào thi đua trong các cơ quan trên của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng thi đua của cơ quan, tổ chức phát động phong trào thi đua năm 2001 và các năm tiếp theo, thực hiện chế độ khen thưởng theo đúng các quy định của Nhà nước.