Thông cáo số 23 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

21/11/2016 17:36

Ngày 21-11-2016, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp. Trong phiên thảo luận, đã có 27 đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 đại biểu tham gia tranh luận. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

- Về sự cần thiết ban hành và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật;

- Về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch;

- Về hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, trong đó tập trung về quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia (trong đó có quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia); quy hoạch vùng; quy hoạch cấp tỉnh; quy hoạch cấp huyện, xã;

- Về quy trình phối hợp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch và lấy ý kiến về quy hoạch; công tác thẩm định quy hoạch, hồ sơ trình phê duyệt, nội dung và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch;

- Về thông tin quy hoạch, công bố quy hoạch và thực hiện quy hoạch;

- Về điều chỉnh quy hoạch và đánh giá thực hiện quy hoạch;

- Về điều khoản chuyển tiếp…

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật quy hoạch.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật cảnh vệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều khiển phiên họp. Trong phiên thảo luận, đã có 22 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

- Sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của dự án luật; mối quan hệ của dự án Luật cảnh vệ với các luật có liên quan;

- Về giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ (trong đó, cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới);

- Về đối tượng cảnh vệ; phạm vi đối tượng cảnh vệ; phân biệt đối tượng cảnh vệ và đối tượng bảo vệ;

- Về biện pháp và chế độ cảnh vệ; vấn đề tổ chức lực lượng cảnh vệ ở địa phương;

- Về vị trí, chức năng của lực lượng cảnh vệ và tổ chức cảnh vệ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ;

- Về quyền của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ;

- Về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, trong đó, cần bổ sung quy định về việc sử dụng công cụ hỗ trợ, võ thuật… trong hoạt động cảnh vệ;

- Về huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ;

- Các quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm…

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật cảnh vệ.

Thứ ba, ngày 22-11-2016, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; thảo luận ở hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (nội dung này Quốc hội họp riêng).

(Văn phòng Quốc hội)