Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: Phải quy hoạch, phân tầng, xếp loại các trường đại học

16/11/2016 17:02

Sáng 16/11, tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc siết chặt chất lượng các trường, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực…

Cần tăng cường các trường nghề, trường cao đẳng

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay sinh viên ra trường thiếu việc làm rất nhiều. Trong đó có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do việc giáo dục hiện nay chưa gắn với đào tạo, với việc làm. Chỉ tiêu tuyển sinh được mỗi trường tự đưa ra nhằm đáp ứng công tác giảng dạy mà chưa tiếp cận nhu cầu việc làm thực tế. Chính vì thế, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm đều cao dẫn đến việc sau khi ra trường không có việc làm, phải chăng các trường đại học chỉ cần tuyển sinh cho đủ số lượng để đạt chỉ tiêu mà chưa nghĩ đến việc sinh viên ra trường có việc làm hay không.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có nêu hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên ra trường có cơ hội việc làm khá, còn các trường đại học khác, nhất là các trường đại học của tỉnh, sinh viên ra trường xin việc làm rất khó khăn. Vậy Bộ trưởng suy nghĩ gì về hiện trạng đang có quá nhiều trường đại học, trong khi chất lượng đào tạo đại học đang có vấn đề. Có nên chuyển công năng một số trường đại học sang học nghề và sinh viên học nghề ra trường được cấp bằng có giá trị như các trường đại học khác? Như vậy, người học học được nhiều hơn, cơ hội tìm việc làm dễ dàng hơn.”

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo                              Ảnh: Đình Nam

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nếu như xét số sinh viên/1 vạn dân thì không nhiều. Hiện nay nước ta có khoảng hơn 200 sinh viên/vạn dân trong khi các nước trung bình là 450/vạn dân. Nhưng so với yêu cầu về chất lượng các trường đại học thì Bộ trưởng khẳng định là nhiều. Bởi hiện tại có không ít các trường đại học không đạt chuẩn. Do đó, tới đây cần phải tăng cường chất lượng các trường đại học theo hướng các trường có chất lượng, trọng điểm, tập trung ở Trung ương, vùng, miền. Các trường ở tỉnh sẽ liên kết phối hợp dưới các dạng các phân hiệu, các trường đại học thành viên, tạo thành một mạng lưới, tránh tình trạng nguồn lực có hạn, đầu tư dàn trải.

Có ý kiến cho rằng, các địa phương cũng cần trường đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong mạng lưới chung các trường địa phương vẫn có thể chia sẻ nguồn lực đào tạo từ các trường đại học vùng, miền được đầu tư. Đối với sinh viên đại học không nhất thiết phải học gần nhà. Chính vì vậy, cần tăng cường các trường nghề, trường cao đẳng, thà có một trường nghề, trường cao đẳng tốt còn hơn có một trường đại học tồi. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành siết chặt chất lượng các trường, vừa bảo đảm đáp ứng được nhu cầu học hành của sinh viên, vừa phải quy hoạch, phân tầng, xếp loại, bảo đảm trật tự trong chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Bảo đảm quyền lợi của học sinh

Chia sẻ vấn đề một số trường đại học với phương án tuyển sinh riêng có gây khó khăn cho thí sinh hay không của đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng cho rằng, theo Luật giáo dục đại học các trường được tự chủ tuyển sinh nên có thể sử dụng kết quả của kỳ thi trung học phổ thông, có thể sử dụng học bạ, có thể phỏng vấn. Một số trường như Đại học Quốc gia có thể bằng đánh giá năng lực. Đó là quyền của các trường đại học tự chủ. Tuy nhiên, qua thực tiễn không phải trường nào cũng làm được vì rất tốn kém. Chính vì vậy, mặc dù trách nhiệm là tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhưng phải tính đến kết quả khách quan để các trường đại học, cao đẳng tham khảo chọn lựa.

Một số trường có yêu cầu cao hơn, chuyên biệt, ví dụ đối với thi trắc nghiệm, nếu môn toán không đáp ứng được yêu cầu của thi chuyên biệt thì học sinh thi chuyên toán hoặc ngành toán của trường đó phải có phỏng vấn riêng, việc đó mang tính chất chuyên ngành, không phải vì một vài nghìn hay một vài trăm học sinh có tính chuyên biệt mà để hàng triệu học sinh phải theo chuyên biệt này. Đây là cơ sở được Bộ cân nhắc rất nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với các trường này để  xem xét tư vấn, nếu không bảo đảm được quyền lợi của học sinh thì Bộ sẽ xử lý theo đúng thẩm quyền. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu để làm sâu sát hơn trong mùa tuyển sinh tới.

Thanh Tú- Vân Ngọc