THÔNG CÁO SỐ 11 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV

03/06/2019 18:02

Hôm nay 3/6/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 11 của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về những nội dung sau đây:

Nội dung 1: Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.

Tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về nội dung Tờ trình, trong đó đa số ý kiến của đại biểu tập trung thảo luận về đề xuất nội dung của hai chuyên đề giám sát năm 2020, đó là: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì nội dung) và Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì nội dung). Trong quá trình thảo luận đã có 11 đại biểu tham gia phát biểu. Theo đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng dự kiến chương trình giám sát và lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát năm 2020 của Quốc hội là phù hợp, bám sát quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gắn với đặc điểm, tình hình của năm 2020 và đáp ứng các tiêu chí cơ bản của việc lựa chọn nội dung giám sát.  

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; bởi lẽ, căn cứ vào thực trạng tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống, thiếu các quy định, triển khai các chính sách về bảo vệ trẻ em. Một số ý kiến mở rộng thêm nội dung giám sát liên quan đến bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đã góp ý, bổ sung làm rõ về phương thức tổ chức thực hiện chương trình giám sát nhằm bảo đảm hoạt động giám sát đạt chất lượng và hiệu quả; đồng thời đề nghị bổ sung một số chuyên đề giám sát tối cao về bảo vệ môi trường; về việc đào tạo cho ngành bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; về lĩnh vực báo chí; về bán, chuyển nhượng công trình, tài sản công; về thực hiện pháp luật về giao dịch điện tử…

Sau thảo luận, Quốc hội tiến hành việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Kết quả như sau: Số đại biểu Quốc hội tham gia 426 (bằng 82,02% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó, có 383 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 79.13%); Có 36 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 7.44%); Có 07 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 1.45%). Như vậy, Chuyên đề 1 có tỷ lệ đại biểu Quốc hội đồng ý cao hơn Chuyên đề 2, do đó, Quốc hội đã tiếp thu, lựa chọn Chuyên đề 1 làm nội dung giám sát năm 2020.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội và kết quả chọn chuyên đề giám sát xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2020 của Quốc hội.

Nội dung 2: Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Tại phiên họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định về 2 nội dung sau đây:

a/ Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với 03 nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), kết quả cụ thể như sau:

- Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10): Số đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến 429 (bằng 88,64%), trong đó phương án 1 có 367 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 75,83%); Có 57 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 11,78%); Có 05 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 1.03%). Như vậy, qua biểu quyết cho thấy các đại biểu Quốc hội đã chọn phương án 1 là giữ như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C.

- Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 59 của dự thảo Luật). Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đối với 2 phương án. Kết quả cụ thể như sau:

Đối với phương án 1: Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến là 424 (bằng 87,6%), trong đó, có 234 đại biểu đồng ý (bằng 48,35%); có 174 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 35,95%); có 16 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 3,31%).

Đối với phương án 2: Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến là 423 (bằng 87,4%), theo đó, có 206 đại biểu đồng ý (bằng 42,56%); có 204 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 42,15%); có 13 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 2,69%).

Như vậy, kết quả biểu quyết cho thấy cả 2 phương án đều không quá 50%; Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tiếp thu, giải trình và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

- Về thời gian trình, thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 59 của dự thảo Luật). Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến phương án 1 là 429 (bằng 88,64%), theo đó, có 318 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 65,70%); có 108 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 22,31%); có 03 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 0.62%).

b/ Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Trong quá trình thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến các đại biểu tập trung vào các vấn đề: Xác định rõ khả năng cân đối nguồn vốn để bố trí cho các dự án theo trật tự ưu tiên tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 71/2018/QH14; thẩm quyền quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn này; các nội dung cụ thể về phương án phân bổ nguồn vốn này. Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, cho ý kiến về 02 nội dung sau đây:

Nội dung 1: Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 03 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Thường trực Tòng Thị Phóng điều hành nội dung này. Kết quả cụ thể như sau:

- Về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông. Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến phương án 1 là 441(bằng 91,12%); trong đó, có 214 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 44,21%); có 212 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 43,8%); có 15 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 3,10%). Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến phương án 2 là 417 (bằng 88,16%), trong đó có240 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 49,59%); có 169 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 34,92%); có 08 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 1,65%).

- Về quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến phương án 1 là 440 (bằng 90,91%), trong đó có 224 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 46,28%); có 206 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 42,56%); có 10 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 2,07 %).

Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến về Phương án 2 là 432 (bằng 89,26%), trong đó có 214 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 44,21%); có 206 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 42,56%); có 12 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 2,48%).

- Về quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến phương án 1 là 442 (bằng 91,32%), trong đó có 351 đại biểu Quốc hội đồng ý (bằng 72,52%); có 72 đại biểu Quốc hội không đồng ý (bằng 14,88%); có 19 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 3,93%).

Kết luận nội dung 1, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, kết quả biểu quyết về 03 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã thể hiện tính dân chủ, thẳng thắn và sự thận trọng của các đại biểu Quốc hội đối với các quy định liên quan đến ngưởi dân. Phương án 1 quy định về khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình sẽ được thể hiện trong Luật. Hai quy định còn lại do số đại biểu đồng ý không quá 50% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết nên sẽ không được thể hiện trong Luật.

Nội dung 2: Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Sau đó, Quốc hội  thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo giải trình, bổ sung của Chính phủ. Qua đó, các đại biểu cho rằng, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị, đề xuất đưa dự án vào chương trình đến khâu nghiên cứu, soạn thảo, xem xét thông qua tiếp tục được đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường trong tất cả các giai đoạn của quy trình. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung như: Những bất cập, hạn chế của tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2018 và đầu năm 2019; Nguyên tắc lập và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (tại kỳ họp thứ 8) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Các dự án cần tiếp tục bổ sung vào Chương trình trong thời gian tới; Các biện pháp bảo đảm thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.v.v.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 trước khi trình Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về nội dung này.

Thứ ba, ngày 4/6/2019, Quốc hội làm việc cả ngày tại Hội trường, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về 02 nhóm vấn đề:

- Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng.

Theo chương trình, phiên họp sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam./.

 

 

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội