PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG DỰ HỘI NGHỊ VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ EM

23/11/2019

Sáng ngày 23/11, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan…


 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đây là sự kiện quan trọng thiết thực kỷ niệm 30 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em (1989-2019) và chuẩn bị cho Hội nghị phát triển trẻ em khu vực Châu Á - Thái Bình dương năm 2019 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã phối hợp với UNICEF tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tình hình trẻ em trong cả nước, đặc biệt với các nhóm dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, đã trực tiếp khảo sát tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Điện Biên để có tư liệu từ thực tiễn, nhìn nhận khách quan và đặt ra những vấn đề cùng phối hợp nghiên cứu trong thời gian tới. Do đó, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt không chỉ là hội nghị quốc gia bàn về chính sách phát triển toàn diện trẻ em Việt Nam mà còn bàn về trách nhiệm trong công tác trẻ em Việt Nam tham gia có trách nhiệm khi thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tại Việt Nam, cả nước đã thực hiện tốt tháng 6 là tháng hành động vì trẻ em. Việt Nam đã phấn đấu đạt các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, trong đó có những vấn đề liên quan đến trẻ em, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ như Công ước của Liên Hợp Quốc, đề cao vai trò của gia đình, trách nhiệm của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, có trách nhiệm của việc tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội nghị này cần xác định rõ thực trạng, nguyên nhân tồn tại, hạn chế; cần bàn, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề tồn tại của trẻ em, bảo đảm nguyên tắc dành những gì tốt nhất cho trẻ em, hướng tới tương lai.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0-8 tuổi; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên; lồng ghép các chỉ tiêu về việc thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là các nội dung rất quan trọng trong tiêu chí phát triển bền vững của đất nước, trong quá trình thực hiện thắng lợi các cam kết và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, cũng góp phần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử với quyết tâm không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Theo các đại biểu, Hội nghị lần này chính là thực hiện cụ thể một nguyên tắc mới và tiến bộ được quy định trong Luật Trẻ em, đó là bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương. Hiện Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện Luật Trẻ em với mục đích các quyền trẻ em phải được thực hiện hài hòa để mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển toàn diện và không trẻ em nào bị để lại phía sau.


Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers phát biểu Chia sẻ tại Hội nghị

Chia sẻ tại Hội nghị, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho biết, là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ quan trọng trong thực thi quyền trẻ em, đặc biệt là việc nội luật hóa các điều khoản và nguyên tắc của Công ước vào các bộ luật, chính sách và chương trình quốc gia. Qua 3 thập kỷ từ khi Công ước được phê chuẩn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào các nguyên tắc hướng dẫn của Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em. Các nguyên tắc hướng dẫn làm Công ước có sức mạnh lớn hơn tất cả những điều khoản đã quy định. Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam tin rằng, các nguyên tắc hướng dẫn sẽ bảo đảm giúp Việt Nam thực hiện đúng lời hứa với trẻ em trong 30 năm tới. Đồng thời, nhấn mạnh, Quốc hội đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, hối thúc, yêu cầu và giám sát khi luật pháp đã được ban hành; tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trong việc giám sát mức độ thực hiện quyền trẻ em và soi chiếu những nguyên tắc hướng dẫn của Công ước vào tất cả những đề xuất đề ra cho Việt Nam.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tại phiên thứ nhất với chủ đề Chính sách phát triển toàn diện trẻ em từ 0 – 8 tuổi, chính sách phát triển toàn diện đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển toàn diện trẻ em…

Tiếp đó, tại phiên thứ hai với chủ đề Triển khai chính sách thực hiện quyền trẻ em, các đại biểu đã thảo luận về: lồng ghép chỉ tiêu về trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội – thực trạng và định hướng cho giai đoạn 2021 – 2030; phân bổ ngân sách thực hiện quyền trẻ em – thực trạng và định hướng; phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…

(Quang Khánh - Báo Đại biểu nhân dân)