Bế mạc Hội thảo Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội

07/08/2017

Chiều 7/8, tại thành phố Đà Nẵng, sau một ngày làm việc sôi nổi, tích cực, khẩn trương, tập trung trí tuệ và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo "Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội" do Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Hội thảo đã tiến hành 3 phiên họp với 3 chủ đề khác nhau. Phiên thứ nhất, các nữ đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai quốc gia về “Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội”;  Phiên thứ hai với các đại biểu tập trung trao đổi về chủ đề Nữ đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật: kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Lào; Phiên thứ 3 với chủ đề Nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát thực hiện pháp luật- Kinh nghiệm Việt Nam và Lào”.

Hội thảo đã nghe 6 bài tham luận, có nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu Quốc hội Việt Nam và đại biểu Quốc hội Lào về các chủ đề, cũng như có nhiều ý tưởng hay được chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động của hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực QH, Chủ tịch Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc Hội thảo

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đánh giá, các bài phát biểu và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho thấy, Quốc hội hai nước, hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội có nhiều nét tương đồng, như: trong 3 nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Lào gần tương đương nhau, dao động trong khoảng từ 25- 27%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này ở cả hai nước đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Mặc dù trước đây, tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn so với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, song trong 2 nhiệm kỳ gần đây thì tỷ lệ của Việt Nam thấp hơn và hiện Việt Nam xếp thứ 60, còn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào xếp thứ 56 trên thế giới. Nếu xét trong khu vực thì Việt Nam đứng ngay sau Lào (theo Liên minh nghị viện Thế giới). Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đều có Chủ tịch Quốc hội là nữ và nhiều nữ đại biểu đang giữ trọng trách cao trong Quốc hội hai nước... Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với Quốc hội và phụ nữ hai nước Việt Nam- Lào.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu và trao đổi đều ghi nhận vai trò tích cực của nữ đại biểu trong Quốc hội. Mặc dù chiếm số lượng nhỏ, chưa đạt được tỷ lệ 30% như mong muốn, song sự đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước rất đáng kể. Giống như nhiều nước trên thế giới, các nữ đại biểu Quốc hội quan tâm và tham gia tích cực, có hiệu quả, trong nhiều trường hợp chiếm đa số các ý kiến phát biểu đối với các dự án luật thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, trẻ em, môi trường... Nữ đại biểu Quốc hội cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động về bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề giới trong các dự án luật. Đặc biệt, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đã có một đại biểu Quốc hội mà là đại biểu nữ, đề xuất xây dựng luật.

Trong hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, qua việc thực hiện chất vấn, tham gia các đoàn giám sát, các hoạt động giám sát về các lĩnh vực, nội dung khác nhau, giám sát văn bản, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, các nữ đại biểu Quốc hội cũng thể hiện vai trò và tích cực của mình, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và các quyết định của Quốc hội.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn mà nữ đại biểu Quốc hội gặp phải như: cân bằng giữa công việc gia đình, chuyên môn và nhiệm vụ đại biểu, việc thiếu thông tin, kiến thức về một số lĩnh vực; kỹ thuật xây dựng luật; kỹ năng tiếp xúc cử tri, chất vấn, thuyết phục, quan hệ với truyền thông; những thách thức, yêu cầu, đỏi hỏi trong tình hình mới và đã cùng trao đổi về những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò của nữ đại biểu trong tham gia hoạt động Quốc hội để thực hiện tốt hơn chức năng đại diện cũng như thúc đẩy hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng khẳng định, việc tham dự và đóng góp ý kiến tích cực của các nữ đại biểu hai nước tại Hội thảo này đã thể hiện mối quan tâm chung của hai quốc gia đối với việc tăng cường sự tham gia, tiếng nói, vai trò của các nữ đại biểu trong hoạt động lập pháp, giám sát cũng như việc thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là dịp để Nhóm nữ đại biểu Quốc hội hai nước chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để cùng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Nhóm, của các nữ đại biểu Quốc hội hai nước, cũng như trong sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế liên nghị viện. Mỗi đại biểu tham dự Hội nghị đều tự mình rút ra các kinh nghiệm cần học tập trong hoạt động nghị trường.

Tại phiên bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Chỉ đạo và phụ trách Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Lào Sysay Leudedmounsone cùng ghi nhận và đánh giá cao kết quả của Hội thảo; bày tỏ tin tưởng, với mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước, cùng những điểm tương đồng giữa nữ đại biểu Quốc hội hai nước, các hoạt động này cần được tiếp tục phát huy. Hai Chủ tịch Nhóm hy vọng, Hội nghị nữ đại biểu Quốc hội hai nước lần này sẽ góp phần giúp thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết giữa Quốc hội hai nước nói chung và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội hai nước nói riêng; nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Lào sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, chất lượng; nữ đại biểu Quốc hội hai nước ngày càng đóng vai trò tích cực, chủ động trong hoạt động của Quốc hội.

Tin và ảnh: Đức Phương