Toàn văn phát biểu khai mạc Hội thảo “Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

07/08/2017

Tiếp tục các sự kiện kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Lào (5/9/1962- 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Lào (18/7/1977- 18/7/2017), ngày 7/8, tại TP. Đà Nẵng, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Toàn văn như sau: Phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ảnh:  Đức Phương

- Thưa Bà Pany Yathotou, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. 

- Thưa các vị lãnh đạo, các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào, cùng toàn thể các vị khách quý.

Hôm nay, trong không khí phấn khởi chào mừng Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962- 5/9/2017), 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Lào (18/7/1977- 18/7/2017) và Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam- Lào, chúng ta cùng vui mừng có mặt tại đây để tham dự một sự kiện rất ý nghĩa- Cuộc gặp mặt lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội Việt Nam và nhiệm kỳ Khóa VIII của Quốc hội Lào của hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội. Thay mặt Quốc hội Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Đoàn nữ đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Bà Pany Yathotou, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào làm Trưởng đoàn, các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, cùng toàn thể các vị khách quý đã đến tham dự Hội thảo “Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động của Quốc hội”, cùng các sự kiện diễn ra trong hai ngày 7- 8/8 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Thưa các quý  vị đại biểu,

Cách đây 55 năm, một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Lào được mở ra bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 15 năm sau, vào ngày 18 tháng 7 năm 1977 Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào đã được ký kết. Kể từ đó, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa hai đất nước, hai dân tộc anh em được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Chủ tịch Kayson Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã không ngừng phát triển, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang có rất nhiều biến động hiện nay, mối quan hệ thủy chung, son sắt Việt- Lào đã trở thành một tấm gương mẫu mực mà tất cả chúng ta đều rất đỗi tự hào và càng ý thức phải ra sức phấn đấu để cùng  gìn giữ và phát triển.

Để kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong năm đặc biệt này, nhiều hoạt động có ý nghĩa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội hai nước đã được tổ chức. Về phía Quốc hội, thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội được ký vào tháng 3 vừa qua, ngày 20/3/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 902 về tổ chức các hoạt động hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào với một chuỗi các sự kiện, như: đón Đoàn Chủ tịch Quốc hội Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, các cuộc Hội thảo giữa hai Quốc hội Việt Nam và Lào,… và gần đây nhất cũng tại địa điểm này đã diễn ra Hội thảo và giao lưu công tác lần thứ 9 giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Quốc hội Lào được tổ chức từ ngày 24- 28/7 vừa qua. Hoạt động gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nhóm nữ nghị sỹ Lào ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch chung đầy ý nghĩa này.

Với chủ đề “Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội”, Hội thảo lần này có sự tham gia của  21 nữ nghị sỹ, 10 đại biểu Hội đồng nhân dân đến từ nước bạn Lào và 81 nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm tạo diễn đàn cho việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị trường của các nữ đại biểu Quốc hội hai nước.

- Thưa toàn thể Hội nghị.

Quốc hội Việt Nam Khóa XIV với 132 nữ đại biểu trúng cử đã đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên con số 26,7% (tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước). Đây là một tín hiệu đáng mừng khẳng định vai trò, uy tín ngày càng cao của phụ nữ trong Quốc hội, trong cử tri. Tuy nhiên, nữ đại biểu trúng cử lần đầu vẫn chiếm hơn một nửa (64,8%) trong tổng số các nữ đại biểu Quốc hội và chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm, ngoài việc đảm đương nhiệm vụ, vai trò của người đại biểu nhân dân, nhưng đồng thời phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn của mình, lại vừa phải thực hiện chức năng của người phụ nữ là chăm lo cho gia đình, nên để có thể hoàn thành được mọi nhiệm vụ, thì mỗi đại biểu nữ phải hết sức nỗ lực phấn đấu trước yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, cũng như của cử tri.

Việc tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ này vừa là sự tiếp nối truyền thống của Quốc hội các Khóa XII và XIII, vừa để đáp ứng nhu cầu cần có một diễn đàn chung để chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ nhau giữa các nữ đại biểu trong hoạt động của Quốc hội. Qua hoạt động của Nhóm, các nữ đại biểu Quốc hội có cơ hội giao lưu, thu nhận thông tin, phân tích chính sách, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nhóm nữ nghị sĩ các nước để qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tại Quốc hội; tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới…, đồng thời hỗ trợ cho các nữ đại biểu thực hiện vai trò đại diện, xây dựng hình ảnh Người nữ đại biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Về phía Quốc hội Lào, tôi được biết trong tổng số 149 đại biểu của Quốc hội Khóa VIII này có 41 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ khá cao 27,5% và có nhiều đại biểu đang giữ trọng trách cao trong Quốc hội. Vì vậy, sẽ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu mà các bạn có thể chia sẻ cùng chúng tôi về hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới nói riêng và hoạt động nghị trường nói chung.

Theo chương trình, Hội thảo hôm nay chúng ta sẽ nghe các báo cáo tham luận và cùng tập trung thảo luận về ba chủ đề chính là:

- Tổng quan về vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động Quốc hội.

- Kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật.

- Kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát thực hiện pháp luật.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH Lào Pany Yathotou với các nữ đại biểu Quốc hội        Ảnh:  Đức Phương

Bên cạnh đó, các nữ đại biểu Quốc hội hai nước sẽ cùng tham gia hoạt động tham quan thực địa tại tỉnh Quảng Nam và kết hợp thăm các danh lam thắng cảnh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam- mảnh đất miền Trung anh dũng và kiên cường của đất nước chúng tôi.

Thông qua hoạt động này, tôi hy vọng sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi đại biểu tham dự và đặc biệt góp phần quan trọng vun đắp tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai quốc gia, hai Quốc hội nói chung và giữa hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội nói riêng. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước khẳng định trong việc duy trì và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, giúp củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào.

Với ý nghĩa đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động của Quốc hội, cũng như chuỗi sự kiện của hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội.

Một lần nữa, xin cảm ơn tất cả các đồng chí.

Chúc tất cả các nghị sỹ hai nước, cùng toàn thể quý vị đại biểu có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.