Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

16/07/2017

Chiều 16/7, tại Quảng Ngãi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi         Ảnh: Trọng Đức

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ...

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế của Tỉnh tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2016; thu ngân sách ước đạt hơn 7.985 tỷ đồng, đạt 66,0% dự toán; cấp giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án FDI, vốn đăng ký 100 triệu USD; 19 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 62.000 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tiếp tục được hoàn thiện; công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi chuyển biến tốt... Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm.

Tỉnh Quảng Ngãi đã dành kinh phí trên 16,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 18 công trình ghi công liệt sĩ. Đến nay, 8 công trình đã hoàn thành; các công trình còn lại đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 20/7. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập 40 hài cốt liệt sĩ; khai quật lấy mẫu sinh phẩm 9 hài cốt liệt sĩ để thực hiện giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ; đón nhận và thực hiện mai táng 2 hài cốt liệt sĩ. Phân bổ và triển khai hơn 28 tỷ đồng thực hiện chế độ điều dưỡng cho 22.491 người có công với cách mạng. Bố trí ngân sách 20 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mới 500 nhà ở cho các hộ gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở.

Liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mong muốn Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn tất thủ tục và hỗ trợ kinh phí theo đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình có công với cách mạng. Bởi hiện nay, nhiều nhà của các đối tượng có công đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, tỉnh đã ứng 20 tỷ đồng để giải quyết trước cho 500 hộ.

Quảng Ngãi hiện có 116 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi yên nghỉ của gần 28.000 liệt sĩ. Trong những năm qua, Trung ương đã quan tâm hỗ trợ để tỉnh sửa chữa, nâng cấp được một số nghĩa trang và phần mộ liệt sĩ. Tuy vậy, nguồn lực của tỉnh còn khó khăn nên còn nhiều mộ, nghĩa trang liệt sĩ chưa được sửa chữa, nâng cấp; nhiều nơi chưa xây dựng được Nhà bia ghi tên liệt sĩ, nên tỉnh rất cần các bộ, ngành Trung ương hàng năm hỗ trợ kinh phí từ 15 - 20 tỷ đồng để cùng với nguồn kinh phí của địa phương từng bước hoàn thành chính sách mộ và nghĩa trang liệt sĩ.

Liên quan đến những vấn đề về chăm lo cho người có công, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề nhà ở cho người có công đã và đang được Chính phủ  thực hiện: “Chính phủ chính thức quyết định phê duyệt 410.000 căn nhà với số vốn là 11.000 tỷ đồng. Trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt chính thức cho mỗi địa phương bao nhiêu căn hộ trên đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tinh thần Nghị quyết là đến năm 2018 giải quyết căn bản số nhà này. Thống nhất nguyên tắc là với những địa phương khó khăn cho ứng trước 80% để tập trung xử lý những vấn đề này".

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được, đặc biệt là công tác đền ơn, đáp nghĩa. Là một tỉnh nghèo, địa hình đồi núi, xuất phát điểm thấp và chịu nhiều mất mát trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhưng với truyền thống kiên trung, hiếu học, trên quá trình xây dựng, tỉnh đã đạt được thành tụu, vượt qua những khó khăn để đạt được kết quả khả quan.

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn đối mặt với những khó khăn như: quy mô kinh tế nhỏ; năng lực cạnh tranh thấp; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; thu nhập người dân, việc làm, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỉ lệ giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn cao. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, Nghị quyết của Quốc hội và địa phương, những chính sách đó đã thực sự được thực hiện ở Quảng Ngãi hay chưa?.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng cần phát triển tiềm năng và khoáng sản du lịch, đẩy mạnh kinh tế biển, gắn với quốc phòng an ninh, đảm bảo chiến lược biển; đẩy mạnh cải cách hành chính sao cho có hiệu quả; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới; chú trọng đào tại nghề, tăng thu nhập cho người dân; thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công; tăng cường nâng cao công tác tiếp xúc và đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển kinh tế, không để xẩy ra điểm nóng.

Về những kiến nghị đề xuất của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến Chính phủ và các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những chủ trương, chính sách của Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện.

Lê Tuyết

Các bài viết khác