Bế mạc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu- hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”

13/05/2017

Sáng 13/5, Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về "Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát phát triển bền vững" đã tiến hành phiên họp toàn thể thứ 3 và bế mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc Hội nghị                                         Ảnh: Trọng Đức  

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: sau một ngày rưỡi làm việc tích cực, thảo luận sôi nổi và 1 ngày thăm thực địa tại huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh, Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” đã hoàn thành các nội dung đề ra trong chương trình nghị sự.

Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, nhất là ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương; tác động nghiêm trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân. Đối mặt với tình hình đó, Hội nghị chúng ta đã thảo luận những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Quốc hội nhằm ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực này, đảm bảo việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau”.

Hội nghị đã nghe trình bày tổng quan về các Mục tiêu phát triển bền vững, về khuôn khổ chính sách quan trọng và toàn diện để các quốc gia triển khai thực hiện; đặc biệt là về vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy hành động, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến lĩnh vực này. Với Bộ tiêu chí tự đánh giá do IPU và UNDP xây dựng đã được chính thức công bố tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên, Quốc hội các nước có những tiêu chí toàn diện, cụ thể, hiệu quả để có thể tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, Liên hợp quốc có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội các nước cần tăng cường phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm nâng cao năng lực của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDG.

Hội nghị dành thời gian thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về y tế và bình đẳng giới trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Bản trình bày của các vị chuyên gia cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nguy cơ gia tăng các dịch bệnh theo mùa và dịch bệnh mới nổi, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, chất lượng nước cho mọi người dân. Phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vì phụ nữ còn phải gánh vác quá nhiều công việc, quyền ra quyết định còn hạn chế vì vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tổng thư ký IPU Martin Chungong phát biểu tại Phiên bế mạc

Bên cạnh những thách thức, vẫn có những cơ hội cho phát triển bền vững, tạo điều kiện để các nước chuyển đổi mô hình phát triển, thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được các SDG. Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm thực địa và trồng cây tại Huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh, nơi các đại biểu đã chứng kiến những dự án trồng rừng ngập mặn góp phần không nhỏ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, đem lại nguồn sinh kế bổ trợ cho người dân vùng ven biển và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Hội nghị nhấn mạnh Quốc hội cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ hơn để ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên quy mô khu vực và toàn cầu. Quốc hội cần thúc đẩy hỗ trợ hơn nữa người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu

Hơn nữa, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc huy động các nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề quan trọng. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, kết quả hội nghị hôm nay cùng với các vấn đề được thảo luận, ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ tại Hội nghị sẽ được thông tin tới Đại hội đồng IPU và những Nghị viện thành viên khác của IPU trong thời gian tới.

Thay mặt Quốc hội nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trân trọng cảm ơn tâm huyết, sự tham gia nhiệt tình của Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký AIPA, các vị lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh, các vị đại biểu, cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để tổ chức thành công Hội nghị.

Tại phiên bế mạc, chân thành cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị, Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho rằng, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc đưa kết luận của hội nghị vào chương trình hoạt động của mình để bảo đảm rằng các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) phải được thực hiện nhất quán, bất kể ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương hay ở khu vực khác; bảo đảm bình đẳng giới với sự tham gia của phụ nữ trong cả vai trò quản trị cũng như các dự án phát triển. Tổng thư ký Martin Chungong hy vọng, trong phạm vi quyền lực của mình, các đại biểu Quốc hội, Quốc hội các nước sẽ làm mọi cách để biến việc thực hiện SDGs thành hiện thực, cùng các Chính phủ hành động đáp ứng được mục tiêu quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu chung của cộng đồng thế giới, huy động đủ nguồn lực để triển khai thực hiện SDGs.

+ Trước đó, với sự điều hành của Tổng thư ký IPU Martin Chungong các đại biểu đã tham dự Phiên họp toàn thể thứ 3 của hội nghị với chủ đề “Huy động các nguồn lực để thực hiện SDGs ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Các đại biểu tham dự phiên họp này đều đánh giá rằng, các nguồn quỹ hỗ trợ và xóa nợ đã từng là những yếu tố quan trọng nhất đối với các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ngày nay, các nguồn lực khác từ cả khu vực công và tư đều được công nhận rộng rãi là cần thiết để thực hiện SDGs. Từ đó, các đại biểu, diễn giả đã trình bày tham luận và tập trung thảo luận về việc làm thế nào để bảo đảm đủ nguồn lực tài chính và phi tài chính để thực hiện chiến lược SDGs quốc gia và khu vực, đồng thời nhấn mạnh các cam kết then chốt trong quá trình hợp tác phát triển và thể chế hóa.

Các đại biểu cũng đã nghe đại diện các nước chia sẻ kinh nghiệm thực hiện vai trò của Quốc hội/Nghị viện trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và các biện pháp thúc đẩy Chính phủ các nước triển khai các chương trình phát triển quốc gia thực hiện SDGs. Các nghị sỹ cho rằng Quốc hội các nước châu Á- Thái Bình Dương cần có những hành động mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong hoạt động lập pháp và giám sát tại các quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường các biện pháp khuyến khích các tổ chức quốc tế, các quốc gia, tận dụng đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương thực hiện thành công các cam kết SDGs.

+ Ngay sau phiên bế mạc, Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà đã chủ trì họp báo quốc tế công bố kế quả Hội nghị.

Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy hành động vì các mục tiêu phát triền bền vững; tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ trong khu vực trao đổi về những vấn đề mang tính thời sự hiện nay là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất tới sự phát triển bền vững, với những tác động tiêu cực và lan rộng ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong đó có những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Quốc hội, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, thực thi những cam kết của quốc gia trong lĩnh vực này, phát huy tinh thần “biến lời nói thành hành động” của Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IPU-132.

Các đại biểu đã chỉ ra những cơ hội cho phát triển bền vững, đặc biệt là chuyển đổi mô hình phát triển, đổi mới nhận thức, lối sống, hoạt động sản xuất kinh doanh; chuyển hướng sử dụng năng lượng tái tạo, ưu tiên đầu tư công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, khí hậu. Ngoài ra, việc phát triển các công cụ tài chính cũng cần thiết để tiến tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Hội nghị đã đạt được mục tiêu đề ra đó là nêu bật vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các SDGs, cũng như ứng phó biến đổi khí hậu, cho thấy Quốc hội cần phải có hành động mạnh mẽ hơn, tham gia thực chất hơn vào quá trình thực hiện các SDGs ở từng quốc gia. Để có thể đánh giá sự tham gia của Quốc hội trong lĩnh vực này, lần đầu tiên, IPU và UNDP đã xây dựng Bộ tiêu chí tự đánh giá và đã chính thức công bố với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để Quốc hội các nước trong khu vực để có thể tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDG.

Đức Hiếu