Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra khoảng 15 ngày

25/04/2016

Chiều 25/3, dưới sự điểu khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XIV.

Tạo dấu ấn quan trọng trong lòng đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Báo cáo Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII và Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XIV do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày.

Báo cáo Đánh giá Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII nêu rõ, thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trước Quốc hội, thể hiện mạnh mẽ và khắc ghi trong tâm lời hứa tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Lời hứa tạo động lực cho người tuyên thệ, làm tăng trách nhiệm đối với người đảm nhận chức vụ và là cơ sở giám sát của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Nghi thức tuyên thệ trang trọng, xúc động, nội dung phù hợp, người tuyên thệ thể hiện được phong thái, sự quyết tâm của mình, tạo dấu ấn quan trọng trong lòng đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nghi thức tuyên thệ là điểm nhấn quan trọng trong kết quả hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XIII, song một số thành viên cho rằng, cần hoàn thiện thêm để nghi thức tuyên thệ được chỉn chủ, thiêng liêng, nghiêm túc hơn nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp                               Ảnh: Đình Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, nghi thức tuyên thệ tạo ra sức mạnh, tính thống nhất cao giữa toàn Đảng, toàn dân. Chỉ từ một động thái của các đồng chí nguyên thủ là tuyên thệ trước Quốc hội mà trở thành chủ đề của cả nước và có rất nhiều phản hồi tốt. Bởi vậy, phải làm thế nào để hoàn thiện nghi thức tuyên thệ trở thành sức mạnh, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Đồng tình với điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, thanh niên, thiếu niênnhi đồng Nguyễn Thanh Hải đề nghị nghi thức tuyên thệ của các đồng chí nguyên thủ cần được đồng bộ, thống nhất; quan tâm đến việc phối hợp với Bộ Văn hoá, thể thao du lịch và Vụ Lễ tân Nhà nước để chuẩn hoá nghi thức tuyên thệ. Yêu cầu Văn phòng Quốc hội có hướng dẫn chi tiết về cách thức tiến hành nghi thức trên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành việc hoàn thiện và đồng bộ nghi thức tuyên thệ. Đề nghị Tổng thư ký Quốc hội lắng nghe thêm dư luận xã hội và bàn thêm trong nội bộ cũng như phối hợp với Bộ Văn hóa, thế thao, du lịch để nghi thức tuyên thệ trở thành nghi thức quốc gia.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra khoảng 15 ngày

Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến làm việc trong 15 ngày (từ 20/7 đến 9/8) và 1 ngày dự phòng.  Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, để cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội mới được bầu, đề nghị Chính phủ thiết kế trong Báo cáo một phần về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV; đồng thời gửi báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015 để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV

Nhất trí Tờ trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc đưa nội dung xem xét Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2016 là cần thiết, bởi mặc dù trước đó đã có đánh giá kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm nhưng chưa thực sự rõ nét do vướng vào Đại hội Đảng toàn quốc, nghỉ Tết nguyên đán...

Đề nghị Chính phủ tiếp tục có Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2016 để các đại biểu Quốc hội mới được bầu tiếp cận thông tin.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016- 2019 tại một số nước.

Đặng Mai