Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp của Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long"

19/08/2014

Chiều 19.8, tại trụ sở VPQH, Đoàn giám sát của UBTVQH đã họp cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp
 

Phát biểu tại Phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến đồng bằng sông Cửu Long là rất nghiêm trọng, cần phải có những giải pháp phù hợp, có chương trình kế hoạch hành động kịp thời, với bước đi thích hợp nhằm giảm thiểu các tác hại, duy trì sự phát triển bền vững của khu vực. Phó chủ tịch QH đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận kỹ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long; tập trung đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long để trình UBTVQH.

 

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long nêu rõ: thời gian qua, việc triển khai xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, cơ bản đáp ứng được tình hình phát triển của đất nước, khẳng định quyết tâm của Việt Nam về ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhận thức về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước và toàn xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó, việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu theo Chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai tương đối đồng bộ, một số dự án có hiệu quả rõ rệt... Đối với đồng bằng sông Cửu Long - khu vực chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ việc nước biển dâng và xâm nhập mặn, các địa phương đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động, tích cực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch của Trung ương. Các ngành, các cấp của nhiều địa phương đã phối hợp thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân về biến đổi khí hậu, từ đó hình thành ý thức trong việc sử dụng tiết kiện năng lượng, giảm lượng chất thải nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Nhiếu ý kiến đề nghị, thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu, nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm có hiệu quả thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và tranh thủ các nguồn tài trợ của quốc tế đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng sử dụng và quản lý để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn này... Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần xây dựng một quy hoạch chung, quy hoạch đồng bộ thống nhất toàn vùng; đặc biệt cần nhanh chóng phục hồi rừng ngập mặn phòng hộ ven biển và xây dựng hệ thống đê biển đồng bộ để phòng, chống nước biển dâng.

(Theo Đại biểu Nhân dân)