Nguyễn Văn Tố

27/11/2013

Nguyễn Văn Tố (1889-1947), bút hiệu Ứng Hoè, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1889, quê ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Thuở nhỏ cụ học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng Thành chung (Trung học). Về nước cụ làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Cụ từng làm Hội trưởng hội Trí Tri, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945.

Sinh ra trong gia đình nhà Nho ở Hà Nội, thuở nhỏ Nguyễn Văn Tố học chữ Hán, sau chuyển sang chữ Pháp, tốt nghiệp trường Thông ngôn, về làm việc tại trường Viễn đông bác cổ, dạy tiếng Pháp, sáng lập và làm Hội trưởng Hội Trí tri, rồi Hội truyền bá quốc ngữ, viết cho tạp chí Đồng thanh, tập san Hội Trí tri, tập san trường Viễn đông bác cổ, viết bằng tiếng Pháp cho các báo Avenir du Tonkin (Tương lai của xứ Bắc Kỳ), Courrie deHai phong (Thư tín Hải Phòng), từ năm 1941, làm trợ bút cho tạp chí Tri tân. Ông đọc nhiều, hiểu rộng, kiến văn phong phú và vốn văn hóa uyên thâm, am hiểu nhiều lĩnh vực như văn học, lịch sử, triết học, kiến trúc, xã hội học, nghệ thuật học, ngôn ngữ học. Những công trình khảo cứu, hiệu đính, phê bình có giá trị được công bố trên báo chí bằng tiếng Pháp thuộc nhiều lĩnh vực.

 

 Chính phủ VNDCCH năm 1946: Hàng đầu, từ trái sáng phải:
Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Ảnh: Sưu tầm.

 

Ông còn có hàng loạt bài phê bình sách nghiên cứu văn học đáng chú ý, những bài phê bình mà ở thời điểm đó, nếu không có sự am hiểu đến tường tận, thì khó có sức thuyết phục, như phê bình các công trình Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi), Thơ văn bình chú (Ngô Tất Tố), Nguyễn Công Trứ (Nguyễn Bách Khoa), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm)... Học giả Nguyễn Văn Tố còn phê bình nhiều sách về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y học, luật học, tôn giáo, hoặc phê bình các luận án tiến sĩ của các nhà Tây học như Trần Văn Chương, Nguyễn Mạnh Tường...Quả thật, ông xứng đáng là người đứng trong “tứ trụ” về văn hóa học thuật nước ta thời kỳ đầu của tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc.

 

Điều quan trọng hơn, bằng sức vóc của trí tuệ trong hơn ba mươi năm cầm bút, Nguyễn Văn Tố đã có ảnh hưởng khá lớn trên nhiều lĩnh vực học thuật. Ngay cả “những người Pháp làm việc ở trường Viễn đông bác cổ, phần nhiều là những nhà bác học, tiến sĩ, thạc sĩ mà vẫn thường phải hỏi ông về những chuyện sách vở” (Thiếu Sơn, Những văn nhân chính khách một thời, Nxb Công an nhân dân 2006, tr.64). Đối với trí thức trong nước đương thời, ông là tấm gương về lối sống giản dị, đi bộ, mặc đồ ta, búi tóc, về tấm lòng yêu nước thương dân và là một kho tàng tri thức Đông Tây, kim cổ cho thế hệ thanh niên noi theo. “Các bài viết của Nguyễn Văn Tố là những viên gạch đầu tiên góp vào khoa khảo chứng văn học của thời hiện đại” (Nguyễn Quảng Tuân, Tự điển văn học, Nxb Thế giới 2004, tr.1222).

Người ta ngưỡng mộ ông không chỉ ở kiến thức uyên bác, bản lĩnh học thuật, tấm lòng thiết tha và trân trọng đối với nền văn hóa dân tộc, mà còn ở trí nhớ như “ tự điển sống” của ông - một phẩm chất tuyệt vời của người làm khảo cứu. Cao hơn, ông còn để lại chân dung và nhân cách một trí thức sống có mục tiêu, có chủ kiến và biết bảo vệ nó đến cùng.

 

 
 

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia chính quyền, làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời, đến khi Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu và được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Kháng chiến bùng nổ, ông lên chiến khu cùng tham gia lãnh đạo kháng chiến. Mùa đông năm 1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, nơi chính phủ kháng chiến đang đóng trụ sở, ông bị Pháp bắt. Kẻ thù đã đem mọi danh lợi, vinh hoa phú quí để mua chuộc, nhưng ông kiên quyết từ chối. Chúng trói ông vào gốc cây và xử bắn. Ông chết như người anh hùng, quyết “giữ tròn danh tiết”, là thái độ ứng xử của kẻ sĩ. Ông không phải là nhà cách mạng, nhưng ông yêu nước thương dân, đã dọn mình để chờ ngày nhập ngũ. Nhập ngũ rồi, ông nhất định không đào ngũ, mặc dù có phải chết cũng cam lòng (...) Dân tộc không bao giờ quên những nhà trí thức như ông” (Thiếu Sơn, sđd, tr.70). Ông đã hiên ngang chọn một thái độ sống và cũng hiên ngang chọn một cái chết bất tử.

Đã hơn sáu mươi năm trôi qua, kể từ khi  học giả Nguyễn Văn Tố - vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, ngã xuống trước họng súng của kẻ thù, nhưng nhân cách văn hóa của ông như mùa xuân vẫn còn sống mãi.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Văn Tố: Nguồn gốc chữ quốc ngữ (1933), Nguồn gốc các mái cong (1934), Những bài thơ chưa in đời Lê (1934), Những kỳ thi văn học ở Việt Nam (1935), Một mô hình nhà ở bằng đất nung tìm thấy ở Nghi Vệ, Bắc Ninh (1935), Phong cảnh và công trình nghệ thuật ở Bắc Kỳ, Hà Nội và các vùng phụ cận (1942); Đạo giáo (1934), Khổng Tử và kinh Xuân thu (1935), Ngôi chùa An Nam (1942); Thời tiền sử ở Bắc Kỳ (1933), Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam (1933), Người Trung Hoa còn giữ được những báo cáo của các vị Đại sứ đầu tiên của họ ở Việt Nam hay không (1934), Bắc Kỳ trong thế kỷ XVII (1935); Sự tích Ôn Như Hầu (1931), Mỹ thuật nước nhà (1932), Những bài thơ tình trong Kinh Thi và tục trai gái hát đối đáp với nhau (1932), Hoa tiên (1936), Quốc hiệu nước ta (1941), Lạc Vương chứ không phải Hùng Vương (1941), Sử Tàu đối với Hưng Đạo Vương (1941), Sao lại không cho Trưng Vương là chính thống (1942), Vua Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Tàu (1942), Thơ tết và chuyện tết đời xưa (1942), Hạnh thục ca (1943), Văn hóa Đông Dương (1943), Văn hóa vật chất (1943), Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây (1944)...

 

 

(http://qh-hdqna.gov.vn/Default.aspx?tabid=97&ctl=tcb&mid=481&tc=32)