Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung giám sát đối với những vụ việc cụ thể, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện tốt hơn công tác dân nguyện 

17/02/2017

Năm 2016 là năm chuyển giao giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Do vậy, có sự thay đổi nhiều về nhân sự trong các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung và Ban Dân nguyện nói riêng, đồng thời có sự chuyển giao công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao,… đặc biệt, kể từ ngày 01/07/2016 khi Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện (Nghị quyết 1156) có hiệu lực thì khối lượng công việc của Ban tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách Ban, sự đoàn kết nhất trí của tập thể Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức của Vụ tham mưu, giúp việc nên trong kết quả công tác Ban Dân nguyện đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cũng là năm thứ ba Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Năm 2016 là năm chuyển giao giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Do vậy, có sự thay đổi nhiều về nhân sự trong các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung và Ban Dân nguyện nói riêng, đồng thời có sự chuyển giao công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao,… đặc biệt, kể từ ngày 01/07/2016 khi Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện (Nghị quyết 1156) có hiệu lực thì khối lượng công việc của Ban tăng lên đáng kể.  Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách Ban, sự đoàn kết nhất trí của tập thể Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức của Vụ tham mưu, giúp việc nên trong kết quả công tác Ban Dân nguyện đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, cụ thể:

Kết quả đạt được

Về tiếp công dân

Trong năm 2016, Ban đã tổ chức, thực hiện tốt việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân phục vụ kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ 1, 2, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Ban đã trực tiếp tiếp 1.875 lượt người về 1.539 vụ việc[1]; phối hợp với các cơ quan tiếp công dân Trung ương tiếp 8.257 lượt người về 1.757 vụ việc[2]. Nhìn chung, năm 2016, số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm so với năm 2015 (năm 2015 tiếp 12.526 lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 4.677 vụ việc) nhưng tỷ lệ công dân đăng ký đề nghị được các cơ quan của Quốc hội tiếp tăng so với các cơ quan khác cho thấy chất lượng tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đồng thời sự tin tưởng cũng như vai trò của Quốc hội ngày càng được người dân đánh giá cao.

Qua công tác tiếp công dân, đã có các văn bản liên quan đến 463 vụ việc được chuyển, đồng thời hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (tăng so với năm 2015 là 14,47%). Đến nay, đã nhận được 99/463 văn bản thông báo trả lời và 43/463 văn bản thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cũng như vận động công dân chấp hành kết quả giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đã được thực hiện thường xuyên (năm 2016 là 1.019 vụ việc).

Ngoài ra, công tác tiếp công dân phục vụ các kỳ họp Quốc hội đã được xây dựng kế hoạch và chuẩn bị chu đáo trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Ban Dân nguyện đã chú trọng đến công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương để triển khai kế hoạch tiếp công dân cũng như để giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng công dân tập trung khiếu nại dài ngày tại Hà Nội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn các kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ 1, 2, Quốc hội khóa XIV.

Về xử lý đơn, thư của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

Từ đầu năm 2016 đến 30/06/2016 công tác xử lý đơn, thư của công dân được thực hiện theo Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của quốc hội. Theo Nghị quyết 694 thì Ban Dân nguyện có nhiệm vụ “tiếp nhận, phân loại đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để chuyển đến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban công tác đại biểu theo lĩnh vực phụ trách”.

Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại tổng số 12.928 đơn, thư của công dân và chuyển đến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội[3].

Đối với các đơn, thư thuộc thẩm quyền của Ban Dân nguyện và đơn, thư do lãnh đạo Quốc hội giao Ban nghiên cứu xử lý (235 đơn), sau khi xem xét, nghiên cứu đối với các vụ việc có căn cứ xem xét lại, Ban Dân nguyện đã ban hành 63 công văn chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, 27 công văn đôn đốc việc giải quyết, hiện đã nhận được 61 công văn trả lời về các vụ việc cụ thể; số đơn không đủ điều kiện xử lý được lưu theo quy định.

Về công tác phục vụ bầu cử, đã giúp Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử tiếp nhận và xử lý 1.665 đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Từ ngày 01/7/2016 đến tháng 12/2016, Nghị quyết số 1156/NQ- UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện có hiệu lực, theo đó Ban Dân nguyện có nhiệm vụ: “tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Dân nguyện để nghiên cứu, khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân”. Do vậy, số lượng đơn, thư mà Ban Dân nguyện có trách nhiệm nghiên cứu, xử lý tăng mạnh (tính từ 01/7 đến 30/12/2016 là 7.920 đơn, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2015 chỉ có 1.166 đơn).

Thực hiện khoản 5, Điều 2, Nghị quyết 1156 và Nghị quyết 231/NQ-UBTVQH14 về việc tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân (Nghị quyết 231), Ban Dân nguyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân  tại 06 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[4], đồng thời làm việc với 04 cơ quan của Chính phủ[5], Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết đơn, thư của công dân gửi tới Quốc hội do Ban Dân nguyện tiếp nhận, xử lý và nghiên cứu chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (không bao gồm số đơn, thư do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển, theo dõi, đôn đốc giải quyết).

Qua giám sát, đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 58 vụ việc cụ thể, trong đó có: 21/58 vụ việc Đoàn giám sát nhất trí về kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương (chiếm 36%); 12/58 vụ việc Đoàn giám sát có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại (chiếm 21%); tham gia ý kiến đối với 24/58 vụ việc (chiếm 41%) thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương có vướng mắc; đề nghị báo cáo, cung cấp, thông tin đối với 01/58 vụ việc để Đoàn có cơ sở làm việc với cơ quan Trung ương.

Bên cạnh đó, việc tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội qua các báo cáo gửi tới Ban Dân nguyện cũng được thực hiện khoa học, chi tiết, đảm bảo khách quan, chính xác không để xảy ra sai sót nhầm lẫn.

Với khối lượng công việc ngày càng lớn, nội dung đơn, thư thuộc trách nhiệm xử lý của Ban Dân nguyện tập trung ở nhiều lĩnh vực, trong khi tổng số Lãnh đạo Ban và các cán bộ tham mưu, giúp việc không tăng nên để hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong lĩnh vực tiếp nhận, xử lý, chuyển và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền cũng là một thách thức không nhỏ đối với tập thể Lãnh đạo Ban. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, sự đoàn kết nhất trí của tập thể Lãnh đạo Ban trong chỉ đạo, điều hành công việc, Ban đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục như: cải tiến phương pháp phân loại đơn, thư; động viên cán bộ, công chức làm thêm giờ theo quy định của pháp luật; tổ chức cán bộ tham mưu làm việc theo nhóm chuyên môn sâu của một số lĩnh vực có nhiều đơn thư của công dân gửi tới,…

Kết quả thu được là trên cơ sở tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội kết hợp với kết quả hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo Nghị quyết 231, Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để trình Quốc hội. Nội dung báo cáo đã đánh giá khá toàn diện tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành và chính quyền địa phương; chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, những bất cập của văn bản hướng dẫn thi hành luật. Việc nghiên cứu, giám sát vụ việc cụ thể đạt kết quả tốt và trên thực tế đã góp phần giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Về tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri

Trong năm 2016, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận 5.927 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Sau khi rà soát, phân loại những kiến nghị trùng nội dung, hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, số còn lại đã được Ban Dân nguyện chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời thường xuyên đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Kết quả là 100% các kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng trả lời đúng quy định, tỷ lệ các kiến nghị được xem xét, trả lời và giải quyết dứt điểm cũng tăng so với thời gian trước. Căn cứ vào kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến, Ban Dân nguyện đã tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ, toàn diện việc giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; đồng thời, đã kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể, nóng đang được cử tri cả được quan tâm hoặc đã được cử tri kiến nghị qua nhiều kỳ họp mà chưa được quan tâm, giải quyết dứt điểm trong lĩnh vực ban hành chính sách, pháp luật và việc tổ chức thi hành pháp luật.

Thông qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện đã phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng chất lượng văn bản vẫn còn hạn chế, tình trạng văn bản mới ban hành nhưng không phù hợp với thực tiễn phải xem xét sửa đổi, bổ sung còn chưa được khắc phục, điển hình như: Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; cá biệt có văn bản ban hành còn có nội dung trái với quy định của pháp luật, cụ thể như: Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính, trong đó có nội dung cho phép người có trách nhiệm đối thoại được phép ủy quyền đối thoại, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2 là trái với quy định trong Luật Khiếu nại hiện hành. Ngay sau khi vấn đề này được nêu tại phiên họp ngày 05/10/2016 của Ủy ban TVQH, Thanh tra Chính phủ đã tiếp thu, sửa đổi và ban hành thông tư 02/2016/TT – TTCP ngày 20/10/2016 sửa đổi nội dung không đúng nêu trên để đảm bảo phù hợp với Luật Khiếu nại hiện hành.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Ban Dân nguyện đã tích cực phối hợp với với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp kiến ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất và thứ hai Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, Ban Dân nguyện đã tổng hợp ý kiến góp ý của cử tri đối với một số dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội; gửi cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu, đồng thời cung cấp thông tin tới các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thảo luận.

Về các công tác khác

- Thực hiện nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội giao, Ban Dân nguyện đã  xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp” của Đảng đoàn Quốc hội.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện”.

- Định kỳ hằng tháng, xuất bản ấn phẩm “Thông tin dân nguyện” cung cấp thông tin về hoạt động dân nguyện tới các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan.

- Giúp Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử xây dựng và hoàn thiện báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư về bầu cử để Trưởng Ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử báo cáo Hội đồng bầu cử Quốc gia.

- Thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân về công tác dân nguyện, Ban Dân nguyện đã chủ trì tổ chức 03 Hội nghị về công tác dân nguyện tại 3 miền: Bắc, Trung và Nam, qua đó đã rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện những năm tiếp theo, đồng thời trang bị cho các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân mới trúng cử lần đầu có thêm kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dân nguyện.

- Ngoài ra, Ban Dân nguyện còn phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiếp xúc cử tri và quan hệ với báo chí của đại biểu Quốc hội” dành cho đại biểu Quốc hội mới trúng cử lần đầu; tham gia cùng một số Ủy ban góp ý cho một số văn bản như: dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; dự thảo Quy chế hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi)...

- Tích cực trong triển khai một số hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác chuyên môn của Ban, hoàn thành bảo vệ cấp cơ sở đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với Hiến pháp năm 2013”.

- Trong công tác đối ngoại, Ban đã tổ chức Đoàn đi nghiên cứu về công tác dân nguyện của Nghị viện tại Australia. Qua chuyến công tác, đã nghiên cứu, học hỏi thêm về kinh nghiệm giữ mối liên hệ với cử tri của Nghị sỹ; về mô hình, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân nguyện của Nghị viện; góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội nước Bạn.

- Bước đầu đã triển khai công tác phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dân nguyện của Quốc hội (đang hoàn thiện dự thảo Đề án, thành phần Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc,… để trình xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội).

Một số tồn tại, hạn chế

- Việc thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân còn nhiều bất cập do công tác phối hợp giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp công dân còn chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Trên thực tế hiện nay, Ban Dân nguyện vừa làm nhiệm vụ giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, đồng thời vừa đại diện cho các cơ quan của Quốc hội tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, trong khi số lượng cán bộ ít, các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập, nên ít nhiều còn khó khăn trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ cở dữ liệu để quản lý, theo dõi việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, đơn vị và cử tri theo dõi, tra cứu và giám sát kết quả giải quyết còn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc triển khai chưa thật sự đồng bộ, toàn diện… gây nhiều khó khăn trong thực hiện công tác dân nguyện.

- Số lượng đơn, thư của công dân lớn, nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo dai dẳng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng địa phương nhưng công dân vẫn gửi đơn đến Quốc hội. Bên cạnh đó, việc phối hợp giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo giữa Ban Dân nguyện với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Công tác đại biểu chưa được quy định cụ thể.

- Theo quy định tại khoản 2, Điều 29 Nghị quyết liên tịch 525: “chậm nhất là 05 ngày, sau khi kết thúc đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội hoặc sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội gửi đến, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương”. Tuy nhiên, trên thực tế việc gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội đến Ban Dân nguyện thường chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng của công tác phân loại, tổng hợp các kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, chất lượng của các báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri cũng còn nhiều bất cập, đôi khi chưa phán ánh đúng nội dung kiến nghị của cử tri, dẫn đến việc tổng hợp, phân loại và chuyển kiến nghị của cử tri còn có trường hợp chưa đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Việc giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, chưa dành nhiều thời gian làm việc với cơ quan có thẩm quyền giải quyết và kiểm tra, đánh giá trên thực tế, mà mới chỉ dựa vào các báo cáo nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giám sát.

Phương hướng nhiệm vụ năm 2017

Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong năm 2016, trước đòi hỏi của thực tiễn khối lượng công việc của Ban ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Ban Dân nguyện sẽ chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực công tác; tập trung giám sát đối với những vụ việc cụ thể, có tính chất phức tạp, kéo dài; tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các lĩnh vực công tác nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Năm 2017, Ban Dân nguyện tập trung thực hiện tốt các công việc chủ yếu sau đây:

Về tiếp công dân

- Tiếp tục triển khai việc tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội và tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp công dân phục vụ kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

- Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tiếp công dân. Nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp tiếp công dân trong các cơ quan của Quốc hội; nghiên cứu xây dựng Kế hoạch tiếp công dân định kỳ hằng tháng của các cơ quan của Quốc hội tại địa điểm tiếp công dân theo quy định.

- Phối hợp với Văn phòng Quốc hội quan tâm hơn đến điều kiện làm việc, cơ sở vật chất cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân.

Về tiếp nhận xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Tiếp nhận, phân loại, xử lý nhanh chóng, kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội theo quy định của Nghị quyết 1156.

- Tích cực, chủ động nghiên cứu và xử lý đơn, thư; rà soát, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư của công dân mà Ban đã chuyển, xem xét, đánh giá kết quả giải quyết.

- Tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại một số bộ, ngành và các cơ quan hữu quan; tại một số tỉnh, thành phố, đồng thời giám sát việc giải quyết một số vụ việc cụ thể trên địa bàn đến làm việc.

- Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và một số bộ ngành, cơ quan hữu quan về kết quả, tiến độ thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 34/BC-UBTVQH13 ngày 19/10/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

- Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng dự thảo báo cáo về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Về kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

- Tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội khóa XIV để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

- Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, thứ 3 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

- Nghiên cứu các kiến nghị mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng cử tri vẫn không đồng tình, tiếp tục kiến nghị để đề xuất giám sát việc giải quyết.

Về các công việc khác

- Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động tiếp xúc cử tri và giải quyết kiến nghị cử tri.

- Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành việc tổng kết Nghị quyết 228, Nghị quyết 694, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 759 và đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết trên, trong đó có quy định cụ thể về việc định kỳ tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, mối quan hệ phối hợp giữa Ban Dân nguyện với Thường trực Hội đồng, các Ủy ban; nghiên cứu làm rõ  mô hình tổ chức tiếp công dân của Quốc hội và tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện khác để đảm bảo vai trò tiếp công dân của Quốc hội.

- Biên soạn tài liệu và tổ chức Hội nghị về công tác dân nguyện để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mới tham gia hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân lần đầu.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác đối ngoại năm 2017 và tổ chức Đoàn công tác của Ban đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm về công tác dân nguyện tại nước ngoài sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế với sự hỗ trợ của Viện KAS (Cộng hòa Liên bang Đức) và Dự án quản trị nhà nước do USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ).

- Tiếp tục phối hợp với Tập đoàn viễn thông quân đội triển khai Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dân nguyện của Quốc hội.

- Hoàn thiện Đề án “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện” để trình Đảng đoàn Quốc hội; bảo vệ đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với Hiến pháp năm 2013”.

- Nâng cao chất lượng xuất bản ấn phẩm “Thông tin dân nguyện” năm 2017 và thực hiện các công việc khác do Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội giao./.

 

[1] Có 1.147 khiếu nại, 179 tố cáo và 213 kiến nghị, phản ánh, có 68 lượt đoàn đông người.

[2] Có 1.070 khiếu nại, 392 tố cáo, 295 kiến nghị phản ánh, có 188 lượt đoàn đông người.

[3] Chuyển đến Ủy ban Tư pháp 4.306 đơn, Ủy ban Kinh tế 5.474 đơn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách 07 đơn, Ủy ban Về các vấn đề xã hội 1.045 đơn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng 130 đơn, Ủy ban Quốc phòng và An ninh 101 đơn, Ủy ban Pháp luật 175 đơn, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường 43 đơn, Ủy ban Đối ngoại 08 đơn, Ban Công tác đại biểu 42 đơn, còn 235 đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Ban Dân nguyện và lưu theo dõi 570 đơn không đủ điều kiện xử lý.

[4] Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

[5] Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCHTW Đảng, Uỷ viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện