TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XỬ LÝ ĐƠN THƯ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN QUỐC HỘI

01/08/2018

Tại Hội nghị đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của quốc hội gắn với việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW do Ban Dân nguyện tổ chức ngày 31/7, nhiều đại biểu đánh giá, công tác nghiên cứu, xử lý đơn, thư của cử tri gửi đến quốc hội ngày càng được tăng cường.

Đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội có chiều hướng tăng

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho biết, trong những năm gần đây (2015-2018), đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội đang có chiều hướng tăng. Cụ thể, qua tổng hợp báo cáo cho thấy, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và xử lý 85.240 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị phản ánh của cử tri.

Nội dung khiếu nại về hành chính tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ; về ô nhiễm môi trường; về chế độ bảo hiểm xã hội, chính sách người có công, bình xét hộ nghèo; chuyển đổi mô hình chợ...  Nội dung tố cáo chủ yếu về các hành vi vi phạm trong quản lý đất đai; quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; không thực hiện nghiêm túc các quyết định xử lý, giải quyết của cấp có thẩm quyền; vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính; đầu tư xây dựng...

Toàn cảnh Hội nghị

Về lĩnh vực tư pháp, mỗi năm có đến hàng chục nghìn đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp (về các quyết định, hành vi tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử và việc thi hành án); trong đó nhiều nhất vẫn là khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm các bản án, quyết định dân sự, án hành chính của Tòa án, mỗi năm có đến 5.000 - 6.000 đơn (liên quan đến nhà đất, vay nợ chiếm đến trên 80%. Trong hình sự chủ yếu khiếu nại kêu oan, bỏ lọt tội phạm, tố cáo điều tra viên bức cung, nhục hình, thẩm phán làm sai lệch hồ sơ vụ án, thẩm phán ra bản án, quyết định trái pháp luật. Trong thi hành án chủ yếu là việc chậm thi hành án, bản án đã tuyên không thể thi hành được; đơn, thư tố cáo chấp hành viên ra quyết định thi hành án, cưỡng chế trái pháp luật cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Trong 3 năm qua, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại, tổng hợp và chuyển 11.892 kiến nghị của cử tri cả nước chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nội dung cử tri kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân về vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh; có biện pháp tích cực trong việc giải quyết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường … Nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đảm bảo thuận lợi cho người dân  lựa chọn hình thức bảo hiểm xã hội; tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách tín dụng ưu đãi cho cho học sinh, sinh viên ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn cụ thể về việc mua bảo hiểm y tế bắt buộc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân  khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên; đổi mới chính sách tiền lương; thực hiện chính sách đối với người có công ...Tăng cường đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí; thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức ...đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn; có biện pháp khắc phục tình trạng mất an toàn trong xây dựng; phòng chống cháy, nổ; hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý đất đai, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, quản lý và sử dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường …

Công tác nghiên cứu, xử lý đơn thư ngày càng được tăng cường

Kết quả giám sát 3 năm gần đây cho thấy, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động tăng cường cho công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Ban Dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày càng hiệu quả trong công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội và Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, xử lý 85.240 đơn thư khiếu nại, tố cáo; đã chuyển 3.831 đơn (đạt tỷ lệ 4,5%) đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; trong đó, 2045 đơn đã có văn bản trả lời (chiếm tỷ lệ 53.38% tổng số đơn đã chuyển).

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương phát biểu tại Hội nghị

Riêng đối với kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho biết, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật “khung”, luật “ống”; tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm bảo đảm đến thời điểm luật có hiệu lực sẽ thi hành được ngay mà không cần chờ các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một số dự án luật mà cử tri có nhiều kiến nghị, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân như Luật Quy hoạch, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Hội, Luật Du lịch, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và một số Luật khác…

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tăng cường giám sát chuyên đề, điển hình như: Giám sát oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự; giám sát việc tổ chức xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm... tiếp tục chủ động thực hiện kế hoạch giám sát với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri, những vấn đề dân sinh bức xúc. Kết luận giám sát đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết tốt hơn những yêu cầu kiến nghị của cử tri

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, công tác nghiên cứu xử lý đơn, thư thuộc trách nhiệm của Quốc hội đã ngày càng được tăng cường; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt đã được nghiên cứu kỹ để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Việc nghiên cứu, giám sát những vụ việc cụ thể cũng đạt kết quả tốt, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp,chính đáng của người dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thu Phương