SO SÁNH VỚI HOẠT ĐỘNG DÂN NGUYỆN Ở MỘT SỐ NƯỚC

10/05/2013

Cùng với Ấn Độ, một số nước tiêu biểu như Scotland, Đức có những đổi mới đáng kể trong hướng tiếp cận trên, nhờ sự ra đời và phát triển của Ủy ban Dân nguyện chuyên trách. Một nhà quan sát mô tả, Ủy ban Dân nguyện là cơ quan chuyên trách được lập ra để tham gia với công chúng và thực sự khuyến khích họ sử dụng ủy ban này như một cách để tiếp cận Nghị viện.

Tại Anh, đơn dân nguyện chỉ có thể được trình lên Hạ việån bởi thành viên của cơ quan này. Khi một hạ nghị sỹ muốn chính thức trình đơn dân nguyện lên Hạ viện thì chính khách này cần phải gửi thông báo đến Văn phòng Quốc hội (Table Office), sau khi đã nhận được sự phê chuẩn của Thư ký phụ trách khiếu nại. Các thành viên của Hạ viện có thể trình đơn dân nguyện lên cơ quan lập pháp một cách không chính thức vào bất kỳ lúc nào, bằng cách đặt đơn dân nguyện vào một cái túi màu xanh và treo nó lên đằng sau ghế Chủ tịch. Trong khi đó, thời điểm để trình đơn khiếu kiện chính thức là ngay trước cuộc thảo luận tự do kéo dài nửa giờ đồng hồ diễn ra vào cuối buổi làm việc.

Theo Lệnh Thường vụ số 156, một bản sao của đơn dân nguyện sẽ được gửi đến các bộ, ngành liên quan. Theo Nghị quyết của Hạ viện ban hành ngày 25.10.2007, tất cả các nội dung khiếu nại nên nhận được sự phản hồi từ Bộ trưởng của bộ liên quan, dưới hình thức là giấy xác nhận. Bất kỳ sự xác nhận nào của Bộ trưởng để phản hồi lại đơn dân nguyện cũng sẽ được in ra thành biên bản chính thức, và một bản sao của biên bản này sẽ được gửi đến người đã trình đơn. Các bản sao của đơn dân nguyện và biên bản xác nhận sẽ được gửi đến các Ủy ban có liên quan của Hạ viện để được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của ủy ban đã được chọn lựa.


Một đơn dân nguyện khổng lồ ở Colorado
Tại Scotland, Ủy ban Dân nguyện (PPC) của Nghị viện có trách nhiệm bảo đảm rằng mỗi đơn dân nguyện sẽ được đáp ứng bằng hành động phù hợp, cụ thể. PPC còn chịu trách nhiệm xem xét sơ khảo những vấn đề được nêu lên. Ủy ban họp hai tuần một lần, khi Quốc hội nhóm họp, tiến hành cả các cuộc họp kín và công khai. PPC gồm 9 thành viên, được bầu theo hình thức tỷ lệ đại diện của các nhóm chính đảng có chân trong Quốc hội Scotland. PPC xem xét kiến nghị mới cũng như những kiến nghị tồn tại trong mỗi kỳ họp và đưa ra quyết định về bất kỳ hành động cần thiết nào để xủ lý vấn đề được nêu trong đơn dân nguyện. Bằng cách này, Ủy ban xây dựng một biên bản giám định về một loạt các biện pháp có thể được đưa vào kiến nghị, nếu không nhất thiết phải là lĩnh vực rộng lớn mà khiếu nại nêu lên.

PPC có thể chuyển các đơn dân nguyện tới những Ủy ban thích hợp của Nghị viện và trong trường hợp này, PPC cần phải được thông báo thường xuyên về cách thức cũng như tiến trình mà ủy bản đó xử lý vụ việc. PPC còn có thể tự mở các cuộc điều tra đơn dân nguyện, cho phép nguyên đơn có cơ hội trình bày và bảo vệ khiếu nại của họ.

Đức, Ủy ban Dân nguyện là đầu mối liên lạc với người gửi đơn. Bình quân, mỗi năm Nghị viện tiếp nhận 15.000 đơn thư, khiếu nại và hầu hết các đơn này liên quan đến khiếu nại hành chính.

Bundestag có quyền yêu cầu Chính phủ liên bang cung cấp thông tin, vì vậy, Ủy ban Dân nguyện có thể bắt đầu quá trình thẩm tra các vấn đề được nêu ra trong đơn dân nguyện bằng cách yêu cầu các bộ liên quan cho ý kiến. Khi những vấn đề liên quan tới nội dung khiếu nại được làm rõ và các vấn đề pháp lý được giải quyết, Ủy ban sẽ trình kiến nghị lên Nghị viện tại phiên họp toàn thể. Kiến nghị này có thể được trình bày dưới hình thức đề xuất với Chính phủ liên bang những giải pháp để khắc phục hoặc kiểm tra lại những vấn đề bị khiếu nại; kiến nghị với các nhóm nghị sỹ trong Bundestag để mở một cuộc điều trần hoặc kiến nghị tới một hoặc hai viện, hay thậm chí lên cả Nghị viện châu Âu. Khi Nghị viện thông qua nghị quyết về đơn dân nguyện tại phiên họp toàn thể, nguyên đơn sẽ nhận được bản thông báo chính thức về những quyết định đã đạt được và những căn cứ mà trên cơ sở đó nó đã được thực hiện.

Tại New Zealand, tất cả các đơn dân nguyện được tự động chuyển tới Ủy ban liên quan tới vấn đề được nêu ra trong đơn. Những ủy ban này sẽ hành động khi được yêu cầu, bao gồm việc tiếp nhận đơn dân nguyện bằng văn bản từ nguyên đơn, các bộ, ngành liên quan của Chính phủ. Trong mô hình Nghị viện của New Zealand, các đơn dân nguyện về cơ bản được xử lý như những vấn đề riêng biệt cần được xem xét bởi Ủy ban có liên quan. Các Ủy ban không bị giới hạn về thời gian trong việc xử lý khiếu nại.

Giống như ở Anh, ở Canada, chỉ có thành viên của Hạ viện mới có thể trình bản kiến nghị, khiếu nại lên cơ quan lập pháp. Luật và quy định của Nghị viện không yêu cầu các nghị sỹ bắt buộc phải trình ra Nghị viện mọi kiến nghị, khiếu nại mà họ nhận được. Thậm chí, các nghị sỹ có quyền ủy quyền cho nghị sỹ khác để trình kiến nghị, khiếu nại ra cơ quan lập pháp. Bên cạnh đó, việc nghị sỹ trình đơn kiến nghị, khiếu nại của nguyên đơn ra Nghị viện không đồng nghĩa với việc nghị sỹ đó ủng hộ kiến nghị, khiếu nại này. Khi đơn kiến nghị được trình ra cơ quan lập pháp thì nó sẽ được gửi đến Chính phủ để giải đáp trong vòng 45 ngày.

(Theo Đại biểu Nhân dân)