BAN DÂN NGUYỆN CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ GIÁM SÁT GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO LIÊN QUAN THU HỒI ĐẤT

29/07/2020

Ngày 28/7, tại thành phố Cần Thơ tiếp tục diễn ra phiên thứ 2 hội nghị chuyên đề về "Giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội" do Ban Dân nguyện phối hợp với Viện KAS (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức. Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chủ trì hội nghị.

 

Toàn cảnh Hội nghị 

Phiên thứ 2 với chủ đề "Khiếu nại tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội" thu hút nhiều ý kiến đóng góp tranh luận.

Tại phiên họp, hội nghị đã thông qua các nội dung. Đặc biệt với vấn đề chuyển dịch đất đai tự nguyện dựa trên cơ chế thoả thuận giữa chủ đầu tư dự án và những người đang sử dụng đất theo quy định tại điều 73 của Luật Đất đai. Về nội dung này, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành cũng đã trình bài tham luận về công tác thẩm tra và giám sát việc thu hồi đất để thực hiện mục đích phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều vướng mắc được các địa phương đưa ra chủ yếu là các vấn đề, liên quan nhiệm vụ đặt nặng vấn đề về lợi ích chung chưa quan tâm đến lợi người dân; mục đích phát triển kinh tế... tuy nhiên, người dân chưa được thụ hưởng trực tiếp các quyền lợi dự án; giới hạn phạm vi được phép thu hồi đất, dẫn đến sự tranh cãi về mục đích dự án, dễ bị lạm dụng để trục lợi...

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân  tỉnh Tiền Giang, đề nghị: “Khi làm chính sách cũng phải cần phân biệt, đừng tạo sự chênh lệch quá lớn trong người dân có cùng điều kiện như nhau, chỉ khác nhau là chữ nghĩa thôi là người dân đã không có thu nhập rồi mà cái thu nhập của họ quá chênh lệch trong hỗ trợ đền bù mình thì vấn đề này tôi kiến nghị xem xét….”

Ông Lưu Thành Công -  Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long – nêu ý kiến: “Theo tôi, Nhà nước chưa làm tròn cho người dân ở khâu tuyên truyền, công bố quy hoạch làm rất lỏng lẻo, mục đích làm gì mà người dân không hiểu. Rồi theo Luật Quy hoạch phải có họp dân thông báo nhưng cái này cũng không thấy làm, cho đến khi mời người dân thông báo coi như đã xong rồi. Rõ ràng là chúng ta ít quan tâm lợi ích của người dân, cho nên khiếu kiện cũng là chỗ này”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng việc vì sao xảy ra tình trạng khiếu nại, ngoài giá đất, chính sách bồi hoàn tái định cư còn hạn chế... đó là hậu sau quy hoạch, vấn đề người dân có được hưởng lợi từ dự án. Cũng theo các đại biểu, Nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ một số nội dung.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – khẳng định: “Lúc này, chúng tôi thấy cần đến quy trình thủ tục để làm, trong đó quan tâm lợi ích người dân. Tôi cho rằng hậu thu hồi đất của chúng ta rất là yếu, làm xong rồi bỏ mặc. Bởi tôi gặp rất nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số là họ sau đó cầm một đống tiền nhưng tiêu 5 năm là hết, mà hết xong là nghèo đói ngay lập tức. Tôi cho rằng đánh giá về xã hội của người dân rất quan trọng…”

Trong phiên thứ 3 của của hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ các vấn đề về kết quả giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý đất tại đô thị; kiến nghị của cử tri về thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội và quá trình trả lời cơ quan có thẩm quyền, những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế về công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Phát biểu tại hội nghị Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đánh cao sự tham gia đóng góp của các đại biểu, làm cơ sở cho việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Đất đai 2013 cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và đảm bảo được sự đồng bộ, thống nhất của Luật Đất đai với các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp.

“Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương và các đại biểu Hội đồng nhân dân tăng cường trách nhiệm trong việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư của công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc giải quyết, trả lời công dân, kịp thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế tình trạng gửi đơn vượt cấp cũng như khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng giữa các cơ quan” - Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục dành sự quan tâm và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban Dân nguyện trong công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân./.

Vũ Thạch

Các bài viết khác