TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI - TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI GỬI TỚI KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHOÁ XIV

25/04/2019

Tổng Thư ký Quốc hội - Trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV

1. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Trong thời gian gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm cải tiến nội dung và cách thức điều hành các phiên họp. Cử tri kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện nội dung kỳ họp, nhất là các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ, trong đó có báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Nâng cao hơn nữa chất lượng các báo cáo giải trình, tiếp thu, báo cáo thẩm tra, bảo đảm thuyết phục hơn, nêu rõ quan điểm, chính kiến của các cơ quan hữu quan để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận. Trong quá trình điều hành các phiên họp thảo luận tại hội trường, cần tiếp tục phát huy nhiều hơn tính đối thoại, tranh luận để làm sáng tỏ các vấn đề trọng tâm.

Trả lời: (Tại Công văn số 2614/TTKQH-TH ngày 14/01/2019)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là việc bảo đảm điều kiện, chất lượng các nội dung trình Quốc hội.

Thực tế cho thấy công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo từ ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5, trong đó yêu cầu các cơ quan đề cao trách nhiệm chuẩn bị nội dung được phân công bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tại các Ủy ban của Quốc hội, công tác thẩm tra và tham gia thẩm tra được thực hiện nghiêm túc, cụ thể và chặt chẽ hơn, nhiều văn bản đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của cơ quan thẩm tra. Phần lớn các nội dung trình Quốc hội được các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi gửi đại biểu Quốc hội. Trong đó, các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước được chuẩn bị công phu, đánh giá, phân tích khá toàn diện, khách quan các mặt được và mặt chưa được; đồng thời, đã cung cấp nhiều thông tin, có cơ sở khoa học và thực tiễn, giúp đại biểu có điều kiện chuẩn bị tốt ý kiến phát biểu và có cơ sở để quyết định các vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình kỳ họp Quốc hội tiếp tục được cải tiến; các nội dung được sắp xếp hợp lý, sát với thực tế, tạo điều kiện để các cơ quan có thời gian tập hợp, tổng hợp bảo đảm kịp thời, nghiêm túc và đầy đủ; nghiên cứu tiếp thu, giải trình thỏa đáng các ý kiến của đại biểu. Các phiên thảo luận tại tổ và hội trường được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, hình thức tranh luận tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả cao, đặc biệt là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm. Công tác điều hành thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, tạo điều kiện để đại diện các Đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận, không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ luật, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức từ việc chuẩn bị nội dung cho đến cách thức xem xét, quyết định. Trong đó, chú trọng việc tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp, nhất là về các chính sách lớn, các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; đồng thời, yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm tra các nội dung trình Quốc hôi.

2. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Về việc kịp thời tổ chức khảo sát, giám sát, yêu cầu giải trình các vấn đề cử tri, dư luận xã hội quan tâm: Vừa qua, UBTVQH, một số Ủy ban của Quốc hội đã kịp thời yêu cầu cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước giải trình và tiến hành khảo sát một số nội dung, vấn đề, như: khảo sát việc xây dựng ga tàu điện đặt tại Hồ Gươm; khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa phổ thông, giai đoạn 2012-2017; khảo sát việc thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; tổ chức phiên giải trình về kỳ thi Trung học cơ sở quốc gia,… kịp thời phát hiện những tồn tại, sai phạm và yêu cầu cơ quan có liên quan khắc phục, đã mang lại hiệu quả rất lớn, thể hiện tốt vai trò giám sát của Quốc hội đã được Nhân dân, cử tri giao phó, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phát huy, đẩy mạnh thực hiện hoạt động này để kịp thời phát hiện, yêu cầu giải quyết các vướng mắc, bức xúc mà cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Trả lời: (Tại Công văn số 2629/TTKQH-TH ngày 31/01/2019)

Hằng năm, trên cơ sở Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai tổ chức hoạt động giải trình, khảo sát, giám sát về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phụ trách[1]. Hoạt động này đã trở thành công cụ đắc lực cho các cơ quan của Quốc hội trong việc tham mưu, giúp Quốc hội giám sát, thẩm tra các dự án luật cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thông qua khảo sát, giải trình, những vấn đề nóng, phức tạp trong quản lý nhà nước, hoạch định chính sách đã được đưa ra thảo luận công khai, đa chiều, góp phần làm tăng tính minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động khảo sát, giải trình của các cơ quan của Quốc hội được tiến hành chưa nhiều, hằng năm, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ Quốc hội giao về lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát.

Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy các kết quả đạt được để tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, khảo sát với nhiều hình thức, tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực nổi cộm, bức xúc trong dư luận chưa được giải quyết, kết quả thực hiện còn hạn chế để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân.

3. Cử tri tp Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát về công tác phòng chống tham nhũng, vấn đề nợ công, công tác quản lý đất đai, việc sử dụng đất quốc phòng, tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường… Đề nghị Quốc hội tiếp tục cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, tạo nên sự tranh luận trên nghị trường; các nội dung chất vấn cần tập trung vào những tồn tại, bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, phù hợp với tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Trả lời: (Tại Công văn số 2630/TTKQH-TH ngày 31/01/2019)

Về tăng cường hoạt động giám sát về công tác phòng chống tham nhũng, nợ công, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường...

Tại các kỳ họp Quốc hội, ngoài việc xem xét Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình nợ công; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Quốc hội còn tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý nợ công (tại kỳ họp thứ 4), chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý tài nguyên, khoáng sản (tại kỳ họp thứ 2), về ô nhiễm môi trường (tại kỳ họp thứ 2 và thứ 5). Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 06 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, theo đó các thành viên Chính phủ đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề nợ công, quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, khoáng sản, phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, hiện đang tiến hành giám sát, sẽ báo cáo trình Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).

Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của cử tri đặt ra. Trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Về cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội

Thực hiện chủ trương cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoạt động chất vấn đã có nhiều cải tiến, đổi mới qua từng kỳ họp, về cách thức tổ chức, lựa chọn vấn đề chất vấn, thời gian đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi, tranh luận. Việc chất vấn theo nhóm vấn đề cũng như việc sử dụng  Bảng đăng ký tranh luận đã tạo điều kiện để người hỏi và người trả lời tăng cường đối thoại, tranh luận, đi sâu vào những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, tại các kỳ họp vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia tranh luận, tạo ra bầu không khí sôi nổi, cởi mở, dân chủ, làm rõ được những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý điều hành của các cơ quan, mang lại hiệu quả tích cực, giúp cho quá trình trả lời chất vấn được thực chất hơn, khắc phục được tình trạng trả lời vòng vo, chung chung, không đúng trọng tâm, qua đó đã nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn.

Đặc biệt, từ kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã đổi mới hoạt động chất vấn trên cơ sở rút ngắn thời gian hỏi, tranh luận và trả lời (các đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn trả lời không quá 3 phút đối với mỗi chất vấn của đại biểu và thời gian tranh luận cho mỗi đại biểu là không quá 2 phút). Cùng với việc giám sát lại các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn, tại kỳ họp thứ 6, hoạt động chất vấn được tiến hành không theo nhóm vấn đề, mà các vị đại biểu trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan đến các nghị quyết của Quốc hội qua 3 kỳ họp, trong đó tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; đồng thời đại biểu Quốc hội cũng chất vấn thêm nhiều nội dung thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với nhiều cải tiến, đổi mới, hoạt động chất vấn ngày càng đi vào chiều sâu, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Phát huy kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội có những cải tiến đổi mới hơn nữa hoạt động chất vấn trong thời gian tới.

4. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát, chất vấn về trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về an toàn thực phẩm.

Trả lời: (Tại Công văn số 2627/TTKQH-TH ngày 31/01/2019)

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đời sống của Nhân dân nên luôn được cử tri, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Quốc hội đã giao cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải phải để khắc phục những hạn chế, yếu kém và đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP. Tại kỳ họp thứ 6 (10/2018) vừa qua, Quốc hội tiếp tục giám sát lại việc thực hiện của Chính phủ về nội dung này. Qua đó, công tác quản lý ATTP đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể là: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được ban hành tương đối đầy đủ, cơ bản phủ kín các đối tượng, các công đoạn trong chuỗi sản phẩm. Việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương đã hợp lý hơn. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ...

Để việc thực hiện Nghị quyết giám sát của Quốc hội có hiệu quả hơn nữa, tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016-2020.

5. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đồng tình với việc cải tiến phương thức tổ chức chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã hỏi thẳng vào vấn đề mà Nhân dân đang bức xúc. Tuy nhiên, vẫn còn có Bộ trưởng trả lời chung chung, chưa đi vào trọng tâm vấn đề, chưa nhận trách nhiệm và cam kết giải quyết vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Đề nghị có giải pháp khắc phục.

Trả lời: (Tại Công văn số 2668/TTKQH-TH ngày 20/3/2019)

Khoản 3, Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định: “...Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có)...”; Khoản 2, Điều 17 Nội quy kỳ họp cũng quy định cụ thể: “... Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 05 phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn. Chủ tọa có quyền nhắc trong trường hợp đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không đúng nội dung phiên chất vấn hoặc quá thời gian quy định, người bị chất vấn trả lời không đúng trọng tâm chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc quá thời gian quy định”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục hiện tượng như ý kiến cử tri đã nêu, bảo đảm hoạt động chất vấn đạt hiệu quả, chất lượng. Tuy nhiên, tại các phiên chất vấn thời gian vừa qua vẫn còn có Bộ trưởng trả lời chung chung, chưa đi vào trọng tâm vấn đề, chưa nhận trách nhiệm và cam kết giải quyết vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Để hạn chế vấn đề này, tại các phiên chất vấn, Chủ tọa phiên họp đã đề nghị Quốc hội cho rút ngắn thời gian hỏi và trả lời chất vấn, trực tiếp yêu cầu người trả lời chất vấn trình bày ngắn, gọn, đi thẳng vào vấn đề, tiết kiệm thời gian, bảo đảm đúng quy định. Bên cạnh đó, từ kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội đã tham mưu, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho sử dụng Bảng đăng ký tranh luận. Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có thể đăng ký tranh luận, yêu cầu người bị chất vấn trả lời rõ hơn, đi vào trọng tâm vấn đề. Thực tế cho thấy, tại các phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia tranh luận, tạo ra bầu không khí sôi nổi, dân chủ, góp phần khắc phục việc trả lời vòng vo, chung chung, không đúng trọng tâm của người bị chất vấn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải tiến, đổi mới hoạt động chất vấn để đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

6. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH cần tăng cường hơn nữa việc giám sát thực thi pháp luật.

Trả lời: (Tại Công văn số 2632/TTKQH-TH ngày 01/02/2019)

Trong thời gian qua, bên cạnh chức năng lập pháp, Quốc hội cũng luôn quan tâm, chú trọng tới hoạt động giám sát việc thực hiện các Luật đã được Quốc hội thông qua. Tại nhiệm kỳ  Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành giám sát Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ thông qua xem xét báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có việc triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật trên nhiều lĩnh vực[2]. Trong năm 2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Thông qua giám sát, nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp được phát hiện; nhiều kiến nghị qua giám sát đã được các cơ quan nghiêm túc thực hiện, tạo chuyển biến tích cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Trên thực tế, việc thực thi pháp luật còn chưa nghiêm, nhiều vụ việc gây bức xúc cho nhân dân vẫn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Nguyên nhân, một mặt là do quá trình tổ chức triển khai của một số cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt, một mặt do nguồn lực của Quốc hội có hạn nên trong khi chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bố trí chương trình giám sát tổng thể việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên,  Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát nội dung này trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc, tăng cường hoạt động này và kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh hoạt động giám sát tại địa phương trong phạm vi, thẩm quyền của mình.

Trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn và giám sát tối cao của Quốc hội, qua đó có các chế tài phù hợp để xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi triển khai, thi hành pháp luật không nghiêm.

7. Cử tri Tp.Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội: tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm Quốc gia, trong đó chú trọng giám sát dự án xây dựng các tuyến đường cao tốc; chất vấn Bộ Giao thông vận tải về vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông và tình trạng mãi lộ hiện nay.

Trả lời: (Tại Công văn số 2631/TTKQH-TH ngày 01/2/2019)

Về đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm Quốc gia, trong đó chú trọng giám sát dự án xây dựng các tuyến đường cao tốc.

Công trình trọng điểm quốc gia là những công trình có quy mô đặc biệt lớn và phức tạp cần được thực hiện theo các trình tự và thủ tục luật định. Trước khi Chính phủ tiến hành triển khai các dự án trọng điểm quốc gia đều có báo cáo tiền khả thi trình Quốc hội; các cơ quan chuyên môn của Quốc hội thẩm tra trước khi Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng. Tại các kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các dự án công trình trọng điểm quốc gia như: dự án sân bay Long Thành, đường Hồ Chí Minh; dự án thủy điện Lai Châu; dự án đường cao tốc Bắc Nam; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án điện hạt nhân Ninh Thuận... Sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, các cơ quan của Quốc hội theo sự phân công đã tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết này để đảm bảo việc triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đối với các dự án xây dựng các tuyến đường cao tốc: Việc phát triển cơ sở hạ tầng gắn với việc xây dựng các tuyến đường cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Các dự án đường cao tốc đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thi công kéo dài, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, trình độ quản lý dự án, chất lượng thi công, giám sát cũng phải ở mức độ cao nhất. Do vậy, cùng với việc Chính phủ tăng cường triển khai các dự án công trình trọng điểm quốc gia, công tác giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương triển khai các dự án công trình trọng điểm quốc gia cũng phải được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội theo sự phân công của Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát việc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và có báo cáo Quốc hội hàng năm về tiến độ cũng như chất lượng dự án theo các tiến độ được triển khai. Qua việc giám sát, Ủy ban Kinh tế đánh giá tiến độ dự án chưa được đảm bảo, cần tập trung tăng cường đẩy nhanh tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng mới có thể hoàn thành dự án theo tiến độ được giao.

Về lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông và tình trạng mãi lộ hiện nay.

 Hàng năm Chính phủ đều có báo cáo riêng trình Quốc hội đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm và việc triển khai nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông của năm tiếp theo. Báo cáo này đều được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng, đầy đủ. Bên cạnh đó, vào kỳ họp cuối năm, Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền của Chính phủ đều có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII, trong đó có nội dung về thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các địa phương, trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); đồng thời tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chính phủ cũng có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 63/2018/QH14 Quốc hội khóa XIV về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 có liên quan tới việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Vấn đề mãi lộ thời gian qua đã được người dân và cơ quan báo chí phản ánh, các cơ quan hữu quan của Bộ Công an, thanh tra giao thông cũng đã có những biện pháp chấn chỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng bảo kê, mãi lộ và xử lý những cá nhân có hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, lĩnh vực giao thông luôn là vấn đề nóng được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của hệ thống giao thông thì việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, ngăn chặn tình trạng mãi lộ cũng luôn phải được tăng cường giám sát. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ nghiên cứu để tham mưu trình Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát và chất vấn người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải và các Bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách lĩnh vực có liên quan về nội dung cử tri nêu trên.

8. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri kiến nghị tăng cường công tác định hướng thông tin dư luận kịp thời trước các kỳ họp để Nhân dân hiểu và nhận thức đúng đắn về các chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội khi tiến hành xây dựng các dự thảo và ban hành áp dụng các dự án luật.

Trả lời: (Tại Công văn số 2634 /TTKQH-TH ngày 12/02/2019)

- Để định hướng thông tin dư luận về các dự án luật trong chương trình các kỳ họp Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã triển khai một số hình thức hoạt động như sau:

Thứ nhất, tổ chức cung cấp thông tin về nội dung chương trình kỳ họp tại Hội nghị giao ban báo chí

 Định kỳ trước mỗi kỳ họp Quốc hội, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, Tổng Thư ký Quốc hội trực tiếp thông tin đến lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và Tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí về các nội dung của kỳ họp cùng những vấn đề cần lưu ý trong quá trình đưa tin. Các nội dung này có tính định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp, đặc biệt là về các dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua hoặc cho ý kiến. Trên cơ sở đó, lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựngkế hoạchchỉ đạo, định hướng công tácthông tin, tuyên truyền về kỳ họp.

Thứ hai, tổ chức họp báo công bố dự kiến nội dung chương trình kỳ họp trước ngày khai mạc kỳ họp

Tại cuộc họp báo trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội thông tin, trao đổi và giải đáp ý kiến của các phóng viên báo chí vềcác nội dung chính của kỳ họp, đặc biệt là về công tác lập pháp. Các thông tin về nội dung chính sách và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật cùng quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng các dự án luật do Tổng Thư ký Quốc hội cung cấpsẽ góp phần định hướng công tác thông tin của các phóng viên báo chí khi chuyển tải thông tin về kỳ họp Quốc hội đến với cử tri và Nhân dân cả nước.

Thứ ba, tổ chức các hình thức cung cấp thông tin về các dự án luật tới người dân thông qua báo chí hoặc trực tiếp qua kênh thông tin điện tử.

Trong thời gian trước, trong và sau các kỳ họp Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức mời các phóng viên báo chí tiếp cận, đưa tin về hoạt động lập pháp của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; cung cấp các tài liệu hoặc trao đổi trực tiếp về các nội dung liên quan đến dự án luật và những vấn đề cần lưu ý khi đưa tin để các cơ quan báo chí thông tin tới người dân một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức đăng tải toàn bộ các dự thảo luật và các tài liệu liên quan trên trang thông tin điện tử Dự thảo online (http://duthaoonline.quochoi.vn). Qua đó người dân có thể trực tiếp tìm hiểu về nội dung của các dự án luật để hiểu đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong các dự án luật.

Việc tổ chức thực hiện các hình thức trên đây đã góp phần thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ về nội dung và các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trongcủa các dự án luật. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc thông tin, tuyên truyền về nội dung của các dự án luật đang được Quốc hội xem xét, thảo luận tới cử tri và người dân có trường hợp còn chưa kịp thời, chưa giúp cho công chúng hiểu đúng về các nội dung chính sách trong các dự án luật, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc. Thông tin về hoạt động lập pháp của Quốc hội trên các báo, đài đôi lúc còn nặng về tường thuật, phản ánh sự kiện, chưa có nhiều bài đi sâu phân tích, bình luận về nội dung của các hoạt động. Vẫn còn một số cơ quan báo chí đưa tin chưa thật khách quan và chính xác, gây sự hiểu nhầm trong dư luận.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả các hình thức nói trên, trong thời gian tới đây, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

- Tăng cường phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí một cách chủ động, đầy đủ và kịp thời về các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, nhất là về hoạt động lập pháp trong thời gian giữa các kỳ họp Quốc hội để cung cấp thông tin tới cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần định hướng thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng pháp luật.

- Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đại biểu Quốc hội tăng cường thông tin về nội dung của các dự án luật trong quá trình tiếp xúccử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, kịp thời giải đáp các ý kiến của người dân về các vấn đề xung quanh nội dung của các dự án luật. Qua đó, giúp cho cử tri và người dân hiểu và nhận thức một cách đúng đắn về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được thể hiện trong các dự án luật được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua hoặc cho ý kiến.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm việc thông tin báo chí được thực hiện theo đúng định hướng, kịp thời điều chỉnh các thông tin sai lệch.Tăng cường thời lượng và chất lượng thông tin về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trên các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí do Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ quản.

9. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Cử tri kiến nghị không nên hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm một, vì giữa chức năng tham mưu lập pháp và hành pháp khác nhau.

Trả lời: (Tại Công văn số 270 /VPQH-CTĐB ngày 18/01/2019)

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong quá trình xây dựng Đề án, Ban soạn thảo đã nghiên cứu và phân tích những thuận lợi và khó khăn khi hợp nhất 3 Văn phòng, trong đó có việc Văn phòng sau khi hợp nhất sẽ phục vụ 3 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp để đảm bảo tính độc lập tương đối trong việc tham mưu phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng.

Ngày 04/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 580/2018/NQ-UBTVQH14 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại 10 tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Ngoài các địa phương trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhất trí với đề nghị của tỉnh Long An và Yên Bái được tham gia thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, giảm đầu mối, giảm biên chế của khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thiết lập bộ máy giúp việc chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay và các năm sau. Kết quả của việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng sẽ là cơ sở để đánh giá, tổng kết và báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


[1] Như: Phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc về “Tình hình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”; phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng”, phiên giải trình về “Chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở”  của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017”…

[2] Năm 2016, Quốc hội giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; UBTVQH giám sát chuyên đề: “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Năm 2017, QH giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Năm 2018, Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”. Năm 2019, Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát tối cao chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về, quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”,  “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.

Vụ Dân nguyện