Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Trong thời gian qua, tình hình động vật, thực vật, hàng hoá nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, nhiều mặt hàng (trái cây, đồ chơi trẻ em, các chất phụ gia, thịt gia súc, gia cầm…) đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước; vì vậy cử tri đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các hành vi bao che, dung túng của cán bộ khi thi hành công vụ. Lập hàng rào kỹ thuật đối với việc nhập khẩu thực phẩm vào nước ta để bảo vệ người sản xuất nông nghiệp trong nước.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Long An    Kiên Giang    Trà Vinh    Phú Yên    Vĩnh Long    Bình Thuận    Bình Dương    Bà Rịa - Vũng Tàu    Thừa Thiên Huế   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 7750/BCT-KH ngày 28/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài như: các mặt hàng trái cây, đồ chơi trẻ em, các chất phụ gia, thịt gia súc, gia cầm… Một số kết quả đạt được như sau:

- Về buôn bán động vật hoang dã

Tình hình buôn bán bất hợp pháp loài động vật hoang dã trong cả nước gần đây tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ buôn bán có số lượng lớn, có dấu hiệu hình thành những đường dây buôn lậu xuyên quốc gia và có tổ chức, nhiều mẫu vật có nguồn gốc từ các Châu lục. Các vụ buôn bán trái phép loài hoang dã lớn được nhập khẩu qua một số cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia, cảng biển và cảng hàng không, phần lớn được vận chuyển trái phép sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Các tỉnh trọng điểm về buôn bán trái phép động vật hoang dã gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Động vật hoang dã nhập lậu từ Lào, Campuchia, Myanma, Malaixia, Thái Lan qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), Cha Lo (Quảng Bình), Cầu Treo (Hà Tĩnh) vào Việt Nam sau đó được chuyển qua Trung Quốc. Các loài hoang dã chủ yếu: rùa mai cứng, kỳ đà, rắn, tê tê, vảy tê tê, sừng tê giác... Trong giai đoạn 2000 - 2011, cả nước đã phát hiện được 17.533 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ động vật, tịch thu 199.339 cá thể, tương đương với 690.822 kg. Chỉ tính riêng trong hai năm 2010 và 2011, cả nước có 1.895 vụ buôn bán bất hợp pháp động vật, tịch thu 31.031 cá thể tương đương với 69.996 kg. Một số các vụ bắt giữ buôn bán trái phép được dư luận quốc tế quan tâm như đối với ngà voi (trên 16 tấn), tê tê và vảy tê tê (trên 15 tấn), hổ và gấu (hàng chục cá thể).

- Về buôn bán đồ chơi trẻ em

 Kinh doanh buôn bán đồ chơi trẻ em thường sôi động vào dịp Lễ, Tết, trên thị trường xuất hiện nhiều loại đồ chơi được sản xuất trong nước và được nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc). Trong đó, có một số loại đồ chơi mang tính bạo lực, kích động bạo lực như: súng trong chương trình game, các loại dao, kiếm, súng bắn đạn nhựa cứng, súng laze… Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện loại đồ chơi mới “mặt nạ da người”; thú nhún được làm bằng chất liệu cao su, bơm hơi xuất xứ từ Trung Quốc, cơ quan quản lý kiểm tra phát hiện các sản phẩm này có chứa chất độc hại. Năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát bắt giữ hàng triệu sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có 309.192 sản phẩm đồ chơi mang tính bạo lực, kích động cấm lưu thông. Trong 6 tháng đầu năm 2013 cả nước đã bắt giữ 359.579 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu không rõ nguồn gốc, trong đó có 56,272 sản phẩm cấm lưu thông.

-  Về nhập lậu chất phụ gia, thịt gia súc gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm, các chất phụ gia…, Ban chỉ đạo 127/TW đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát. Đáng chú ý, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ cơ quan thường trực thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án và chỉ đạo Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường về công tác phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Sau 6 tháng triển khai thực hiện Đề án, đã kiểm tra, xử lý 1.192 vụ, thu giữ 34.555 kg gà lông, 189.742 kg gà thịt, 644.400 quả trứng gà Trung Quốc, 35.359 kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu (nội tạng, chân, cổ, cánh), 888.959 con gà giống, 7.185 vịt con, 12.122 kg chim, giá trị tịch thu tiêu hủy 3.343,4 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 1.138,8 triệu đồng.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nêu trên nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ, của Ban chỉ đạo 127-TW. Kết quả xử lý chưa phản ánh đúng thực tế vi phạm trên thị trường, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Tình trạng này do các nguyên nhân chủ yếu là:

- Về cơ chế, chính sách:  Hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại còn chưa hoàn chỉnh, dễ bị lợi dụng; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự.

- Về tổ chức chỉ đạo, điều hành: Nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tuy đã nâng lên song có lúc, có nơi chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương; Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm tra, kiểm soát ở một số đơn vị, địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Về điều kiện hoạt động của các lực lượng chức năng: Lực lượng kiểm tra kiểm soát còn mỏng; trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu; kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để hạn chế được tình trạng vi phạm về nhập lậu các mặt hàng hàng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp:

- Về cơ chế, chính sách

+ Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của chính sách biên mậu hiện nay;

+ Thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại....  để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn để thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Về chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, kiểm soát thị trường

+ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

+ Làm tốt công tác xây dựng lực lượng, ngoài việc tăng cường biên chế, kinh phí, trang thiết bị làm việc, cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức; tổ chức công tác đào tạo, đào tạo lại và củng cố bộ máy cơ sở; tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.

+ Làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có các phương án kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin tội phạm giữa các cơ quan, các lực lượng, để tổ chức và hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp, đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

- Về hướng dẫn tuyên truyền pháp luật

Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

- Về vai trò của Hiệp hội, tổ chức chính trị-xã hội

Nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân: Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: